Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. Trong đó có đề xuất sẽ chi bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực TW.
Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe (Dự thảo tháng 8/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/chuan.-dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx
Đề xuất trích tiền phạt vi phạm giao thông bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực thuộc TW
Theo điểm d khoản Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định về mức chi trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó:
Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng cảnh sát khác tham gia trực tiếp cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP): tối đa 100.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên).
Theo đó, hiện nay chỉ quy định chi cho CSGT tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào ban đêm.
Đến Dự thảo tháng 8/2024, tại khoản 3 dự thảo, Bộ công an đã đề xuất các nội dung chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, đối với chi bồi dưỡng CSGT có các nội dung chi sau:
- Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm;
- Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xử lý ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h30 đến 8h30, buổi chiều từ 16h30 đến 18h30) tại các thành phố trực thuộc trung ương;
Như vậy, so với quy định hiện hành thì Bộ công an đã đề xuất thêm nội dung chi bồi dưỡng đối với CSGT trực tiếp xử lý kẹt xe vào giờ cao điểm tại các thành phố trực thuộc TW.
Việc trích tiền phạt vi phạm giao thông cho nội dung chi bồi dưỡng đã có từ trước đây
Theo Điều 2 Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT sẽ bao gồm:
- Ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn chi các hoạt động kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
- Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Giai đoạn 2018-2020, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành (dự toán năm 2018 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2016; dự toán năm 2019 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2017 và dự toán năm 2020 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2018).
- Các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo TTATGT;
- Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, từ quy định hiện hành thì số tiền thu từ xử phạt vi phạm an toàn giao thông nộp vào NSNN đã được bổ sung có mục tiêu cho địa phương để chi bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, nội dung chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nằm từ trước đến nay cũng đã nằm trong nội dung chi này.
Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe (Dự thảo tháng 8/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/chuan.-dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx