Nhà giáo luôn là một trong những nghề cao quý và cần được “tiếp sức”, “quan tâm” của cơ quan nhà nước. Do đó những đề xuất hỗ trợ, thu hút tại Dự thảo Luật nhà giáo là một động thái tốt nhằm phát triển ngành. Cụ thể thế nào, hãy cùng tìm hiểu.
1. Chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Dự thảo Luật Nhà giáo
Căn cứ Điều 41 Dự thảo Luật Nhà giáo đề cập chính sách hỗ trợ nhà giáo như sau:
- Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
- Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
- Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ngoài ra, tại Điều 40 Dự thảo Luật còn quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo như sau:
- Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).
- Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
- Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
- Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 01 (một) chính sách có mức cao nhất.
- Chính sách tiền lương của nhà giáo do Chính phủ quy định.
Xuất phát từ sự khuyến khích, đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho những nhà giáo tương lai. Những chính sách hỗ trợ trên sẽ là bàn đạp vững chắc hỗ trợ cho những người đang và sẽ hành nghề nhà giáo trong tương lai.
2. Đề xuất chính sách thu hút nhà giáo tại Dự thảo Luật nhà giáo
Căn cứ Điều 42 Dự thảo Luật đề xuất chính sách thu hút nhà giáo như sau:
- Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo.
- Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
+ Chính sách thu hút nhà giáo gồm:
+ Chính sách ưu tiên tuyển dụng;
+ Nhà công vụ;
+ Vay mua nhà ở;
+ Chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút;
+ Chính sách đào tạo;
Bồi dưỡng và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
- Ngoài các quy định chung về chính sách thu hút nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo.
Chung quy lại, những chính sách thu hút nhà giáo hoặc hỗ trợ mục đích chính là thúc đẩy sự nghiệp phát triển của ngành giáo dục nước nhà của chúng ta. Sự nghiệp trồng người chưa bao giờ là dễ dàng nên những chính sách trên sẽ là “bệ phóng” vững chắc giúp đỡ những người mang sứ mệnh cao cả ấy thêm phần nghị lực.