Việt Nam mình có nên thay đổi kỳ thi tú tài, bằng việc cho bổ sung môn Triết học vào danh sách môn thi không nhỉ?
753.000 học sinh THPT Pháp đang có cuộc thi lấy bằng Baccalauréat (thường gọi tắt là BAC). Kết quả của kỳ thi sẽ được đa số các trường đại học công lập lấy làm tiêu chí để xét tuyển sinh viên (có thể hình dung như hình thức thi "một chung" tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH). Ngày 18/6, học sinh vừa thi môn triết học. Đề thi được chia theo từng ban, mỗi ban có 3 chủ đề. Được biết, kỳ thi tú tài Pháp đang chuẩn bị "đổi mới" một cách triệt để, hình thức hiện thời (có từ hàng trăm năm nay) sẽ được thay thế vào năm 2021. Dưới đây là nội dung đề thi môn Triết học năm 2018.
Ban S (Khoa học)
Thí sinh chọn một trong ba đề tài sau đây:
Đề 1/ Sự ham muốn có phải là chỉ dấu cho tính bất toàn của chúng ta?
Đề 2/ Trải nghiệm sự bất công có phải là điều cần thiết để biết thế nào là công lý?
Đề 3/ Giải thích (Thuyết minh?) đoạn văn dưới đây:
"Tất cả những hiện tượng xã hội đều là những hiện tượng về bản chất con người, sinh ra do tác động của những tình huống bên ngoài lên những khối người nào đó. Vậy thì, nếu những hiện tượng của tư duy, của tình cảm, của hoạt động của con người, tuân theo những qui luật cố định, thì những hiện tượng xã hội cũng phải được chi phối bởi những qui luật cố định, hậu quả của các qui luật kia. Nói cho đúng, chúng ta không thể kỳ vọng là các luật đó cho phép chúng ta dự đoán về lịch sử xã hội hàng ngàn năm tới, như chúng ta có thể tiên đoán về những hiện tượng của các thiên thể, dù là chúng ta hiểu biết về chúng một cách cũng đầy đủ và chính xác như về các luật thiên văn. Trong thiên văn, chỉ một ít nhân tố ảnh hưởng tới một kết quả; những nhân tố đó lại ít thay đổi, và luôn luôn theo những qui luật được biết trước. Chúng ta có thể nhận xét về các nhân tố đó ngày hôm nay thế nào, và từ đó suy ra chúng sẽ ra sao trong một tương lai xa. Những dữ kiện về thiên văn, do đó, cũng chắc chắn như chính những qui luật (vật lý). Trái lại, những nhân tố ảnh hưởng tới hiện trạng và biến chuyển của xã hội lại vô cùng nhiều, và luôn luôn thay đổi; và tuy rằng tất cả những thay đổi đó đều có nguyên nhân, và do đó, có qui luật, số rất lớn của những nhân tố đó thách thức những khả năng tính toán hạn chế của chúng ta. Thêm vào đó sự không thể áp đặt những con số cụ thể vào những sự kiện thuộc phạm trù này đặt ra một giới hạn không thể vượt qua cho khả năng tiên đoán chúng, dú rằng, một ngày nào đó, những năng lực của trí thông minh của con người có thể đáp ứng yêu cầu." - MILL, Hệ thống logic, 1843.
Ban L (Văn)
Đề 1/ Văn hoá có làm cho chúng ta "người" (có nhân tính) hơn?
Đề 2/ Người ta có thể từ bỏ sự thật?
Đề 3/ Giải thích đoạn văn sau:
"Thông thường, chúng ta không biết chúng ta muốn gì, hay chúng ta e ngại gì. Chúng ta có thể ấp ủ một mơ ước trong nhiều năm trời, mà không thú nhận với chính mình, thậm chí không ý thức rõ rệt được mong ước ấy ; là vì lý trí phải không được biết gì về nó, vì một sự tiết lộ có vẻ như nguy hiểm cho tự ái của chúng ta, cho hình ảnh tốt đẹp mà ta muốn giữ cho chính mình; nhưng khi mong ước ấy được thực hiện, sự vui mừng của chính mình cho chúng ta thấy, dù không phải là không gây cho chúng ta một sự bối rối nào đó, rằng thật ra chúng ta rất mong chờ sự kiện ấy; chẳng hạn như trường hợp một người thân mà ta thừa kế gia tài vừa qua đời. Còn như điều chúng ta lo ngại, chúng ta thường không biết tới, vì chúng ta không đủ dũng cảm để ý thức rõ rệt về nó. Thông thường, ta hoàn toàn tự dối mình về lý do thực của một hành động hay không của mình, cho tới khi một sự cố nào ngẫu nhiên làm tiết lộ điều bí ẩn ấy. Lúc đó, ta mới nhận ra rằng mình đã nhìn nhận sai về lý do thực sự, mà trước đó mình không muốn thú nhận với chính mình, bởi vì nó hoàn toàn không đáp ứng với hình ảnh tốt đẹp mà mình tự tạo cho mình. Chẳng hạn, chúng ta từ chối một hành động nào đó, vì những lý do mà ta nghĩ là hoàn toàn thuộc phạm vi đạo đức; nhưng sau khi sự việc xảy ra, ta mới thấy rằng thực ra nỗi sợ là lý do duy nhất ngăn ta hành động, bởi vì một khi mọi nguy hiểm đã biến mất, ta lại thực thi hành động đó." - SCHOPENHAUER, Thế giới trong ý chí và hình ảnh, 1818.
Ban ES (Kinh tế-Xã hội)
Đề 1/ Chân lý nào cũng là vĩnh cửu?
Đề 2/ Người ta có thể vô cảm với nghệ thuật?
Đề 3/ Giải thích đoạn văn sau:
"Khi chúng ta tuân phục một người nào vì quyền uy tinh thần mà ta thừa nhận nơi người đó, ta chấp nhận các ý kiến của người đó, không phải vì chúng có vẻ là những ý kiến khôn ngoan, mà vì từ ý tưởng mà ta có về người đó, một năng lượng tâm linh nội tại phát ra bẻ gãy ý chí của chúng ta và uốn nó theo chiều hướng kia. Sự kính phục là tình cảm mà ta ta trải nghiệm khi cảm thấy cái áp lực bên trong và hoàn toàn thuộc về tinh thần ấy nảy sinh trong ta. Điều khiến ta quyết định khi đó không phải là những tính toán lợi hại về thái độ mà ta thấy không được làm hay nên làm; đó là hình ảnh trong tâm trí của ta về con người bảo ta rằng nên hay không được có thái độ ấy. Vì thế mà sự chỉ huy thường được thể hiện qua những hình thức ngắn, quả quyết, không để chỗ cho sự do dự; là vì, trong chừng mực mà nó thể hiện bản chất của mình và tác động chỉ với lực của mình, sự chỉ huy loại trừ mọi ý tưởng về thảo luận, tính toán ; sự hữu hiệu của nó nằm trong cường độ của trạng thái tinh thần khi lệnh được ban ra. Chính cường độ đó tạo nên cái mà người ta gọi là ảnh hưởng tinh thần. Nói cách khác, những phong cách hành động mà xã hội gắn kết đủ mạnh để áp đặt lên các thành phần của mình, chính vì lý do đó, là những phong cách mang cái chỉ dấu rõ rệt buộc người ta phải tuân phục" - DURKHEIM, Những hình thái sơ đẳng của đời sông tôn giáo, 1912
Nguồn: Vietnamnet