DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đất đai do ai sở hữu?

Avatar

 

Theo Thông báo kết quả của Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc, thì Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định kết luận đã có trước đó về vấn đề đất đai của Hội nghị Trung ương 5. Nghĩa là, tiếp tục bảo vệ quy định tại Điều 17, 18 Hiến pháp năm 1992 về quyền sở hữu đất đai. Theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai. Quy định trên của Hiến pháp 1992 được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2003 như sau: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện của “toàn dân” trong việc thực hiện quyền sở hữu đất đai đó, thế nhưng, cho đến nay lại chưa có bất kỳ một định nghĩa nào giải thích cho dân hiểu thế nào là “toàn dân”, thế nào là “nhà nước” khi đặt hai chủ thể này trong cấu thành của quyền sở hữu đất đai. Bởi lẽ, quyền sở hữu đất đai cũng là quyền sở hữu một loại tài sản, dù được gọi mơ hồ là loại “tài sản đặc biệt”, thì nó cũng có các thành tố là: chủ thể, khách thể và nội dung của quyền này. Do đó, đứng ở khía cạnh chủ thể của quyền, “toàn dân” là ai, gồm những người nào?

Làm rõ được khái niệm “toàn dân” với tư cách là chủ thể của quyền sở hữu đất đai dường như là việc không thể. “Sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị, khi triển khai vào các khái niệm pháp lý, không xác định ai có chủ quyền thực sự, do đó mà nó trở nên “trống rỗng”. (Ý kiến của PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa trong tham luận “Sở hữu toàn dân về đất đai và doanh nghiệp Nhà nước: Một số ưu tiên trong chính sách tái cấu trúc nền kinh tế” trình bày tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: Tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 24/9/2012).  

Cũng bởi, từ khái niệm mang tính chính trị khác xa với khái niệm pháp lý, nên nếu như Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2003 xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân với tư cách là chế độ sở hữu, thì Điều 200 Bộ luật Dân sự 2005 lại quy định: “Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên ...”. Như thế, từ lý luận mang nghĩa chính trị khi triển khai vào cụ thể hóa một quyền sở hữu đối với tài sản là đất đai đã không thể nào khớp với nhau, không thể nào đi cùng nhau, tạo nên sự mâu thuẫn, đối chọi, dẫn đến mơ hồ một quyền sở hữu tài sản vô cùng giá trị.

Từ các vụ cưỡng chế thu hồi đất đai mà sự xung đột giữa quyền lợi của người dân với chính quyền, với chủ đầu tư các dự án như vụ Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên ... vừa qua cho thấy, vấn đề thay đổi toàn diện, phù hợp chính sách pháp luật đất đai để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân là điều tiên quyết, cần phải có cách nhìn nhận mới mẻ, hợp với xu hướng tất yếu. Chỉ khi ghi nhận quyền sở hữu tư nhận về đất đai bên cạnh các hình sức sở hữu khác là sở hữu Nhà nước về đất đai, sở hữu tập thể về đất đai thì người dân mới cảm nhận được thực sự đó là tài sản của mình. Và chỉ khi đó, họ mới thực sự có được các quyền năng của một người có tài sản là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

Dĩ nhiên, đất đai là tài sản gắn liền, có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố quan trọng khác liên quan đến lãnh thổ, an ninh quốc gia, lịch sử, văn hóa, kinh tế ... của quốc gia, nên việc hướng dẫn, quy định cách sử dụng các quyền ấy sao cho phù hợp với lợi ích của cá nhân và lợi ích xã hội, lợi ích của Nhà nước là điều cần phải bàn đến. Rồi chúng ta ghi nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai nhưng bên cạnh đó vẫn có các hình thức sở hữu khác là sở hữu của Nhà nước, của tập thể đối với những loại đất đai, vị trí đất đai khác nhau nên vẫn đảm bảo được quyền lợi quốc gia, lợi ích công cộng.

Lờ đi quyền sở hữu tư nhân về đất đai sẽ là nguyên nhân chính yếu đẻ ra hệ lụy tùy tiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ đất đai không đúng với nguyện vọng của dân, không ngang giá với thị trường. Cũng chính sự mập mờ mang tên sở hữu toàn dân về đất đai, quy định chung chung về Nhà nước đại diện quyền sở hữu như hiện nay dẫn đến trong nhiều trường hợp không biết ai là “Nhà nước”, là chính quyền trung ương hay chính quyền địa phương, do đó dẫn đến những quyết định thu hồi đất đai vô tội vạ, tước đi quyền lợi của người dân nhưng lại để đất đai rơi vào tay các nhóm lợi ích, khiến cả quyền lợi của người dân lẫn lợi ích quốc gia không được bảo vệ. Hậu quả là đất đai vì hiện tượng mua chính sách, vấn nạn tham nhũng sẽ được chuyển từ người dân nghèo sang tay các đại gia giàu có với giá rất thấp. Nhưng bằng động tác đầu tư trở lại, các nhóm lợi ích này là bán ra với giá đắt đỏ cho người dân có nhu cầu nhà ở, người dân có nhu cầu mặt bằng. Trường hợp khác thì đất đai bị thu hồi để rồi bỏ hoang bởi những dự án “treo” không có điểm dừng, nhưng dân chẳng được trao quyền gì một cách thực sự đối với tài sản đó nên không thể đòi lại.

Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia hàng đầu về pháp luật ��ất đai, kinh tế như GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Bộ trưởng bộ Tư  pháp Nguyễn Đình Lộc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A ... đã nhiều lần đăng đàn kêu gọi cần phải sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật đất đai 2003 theo hướng ghi nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Ngay cả một chính quyền địa phương được coi là có nhiều “kinh nghiệm” hay trong việc thực hiện chính sách thu hồi đất của dân để phân lô, bán nền, lấy tiền đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng là thành phố Đà Nẵng, cũng đã có những kiến nghị cần phải quy định quyền sở hữu tư nhân về đất đai rất mạnh mẽ trong thời gian qua.

Như vậy, đất đai do ai đó sở hữu chứ không phải của người dân A hay người dân B. “Toàn dân” là người nào, là ai thì rõ ràng toàn dân ta không ai biết. Tư duy và quan niệm mơ hồ về quyền sở hữu toàn dân về đất đai đã tạo ra bất cập và vấp váp không phù hợp trong thực tế, đó mới là nền móng, gốc rễ tạo ra những hệ lụy không đáng có trong công tác quản lý đất đai thời gian qua. Sửa Hiến pháp và sửa Luật Đất đai mà lại không sửa được những sai lầm cơ bản đó, thì rồi mọi nổ lực để tìm cách quản lý được đất đai tốt hơn sẽ không thể thành sự thực.

LÊ CAO

 

 

  •  53923
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…