Đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý theo Luật Luật sư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn 4750/BKHĐT-ĐKKD ngày 23/7/2020 về việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý.
Liên quan đến việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo 339/TB-VPCP ngày 09/10/2019 của Văn phòng Chính phủ, sau khi trao đổi với Bộ Tư pháp, nhằm thực hiện quy định của pháp luật chuyên ngành, đồng thời đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung sau:
- Đối với ngành, nghề kinh doanh “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng”
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” (mã ngành 69101 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam), bao gồm hoạt động tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng" thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết 65/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư, không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với mã ngành này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng đi thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh,
- Đối với ngành, nghề kinh doanh “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý"
+ Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý" thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết 65/2006/NQ-QH11, không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với ngành, nghề này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
+Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn và dịch vụ khác mà ngành, nghề kinh doanh không bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, dịch vụ pháp lý” (ví dụ: tư vấn tài chính; tư vấn thuế; tư vấn đăng ký doanh nghiệp, tư vấn du học; dịch vụ xin visa, giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài...) thì thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Đối với các doanh nghiệp đã được Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”, “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng” thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư, doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký lại tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết 65/2006/NQ-QH11.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan và hướng dẫn doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp thực hiện.
Trường hợp có phát sinh vướng mắc, đề nghị Quý Sở phản ánh kịp thời đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết.
Đề nghị Quý Sở nghiên cứu, thực hiện.
Công văn 4750/BKHĐT-ĐKKD được ban hành ngày 23/7/2020.