Trong thời kỳ hôn nhân chồng của tôi đi làm, kiếm tiền nuôi gia đình, còn tôi ở nhà chăm sóc con cái, nấu ăn và làm việc nhà. Nhưng vì kinh tế suy thoái, vợ chồng tôi gánh vác không nổi nên chồng tôi đã đi vay mượn tiền để chăm lo cho gia đình. Vây tôi muốn hỏi nợ của chồng đã mượn thì tôi có phải trả cùng không?
"Của chồng công vợ" nghĩa là gì?
"Của chồng công vợ" là một cụm từ để miêu tả mối quan hệ hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau giữa vợ và chồng trong hôn nhân và gia đình.
Cụ thể:
"Của chồng" ám chỉ những đóng góp, trách nhiệm của người chồng đối với gia đình như: làm việc kiếm tiền, lo kinh tế, chăm sóc vợ con...
"Công vợ" ám chỉ những đóng góp, hy sinh thầm lặng của người vợ đối với chồng con và gia đình như: sinh con, chăm sóc nhà cửa, lo cơm nước...
Cả hai cùng chung tay gánh vác trách nhiệm chung để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Như vậy, cụm từ nhấn mạnh đến sự đùm bọc, thương yêu, kính trọng và chia sẻ công việc nhà giữa vợ và chồng. Đây được xem là mối quan hệ bình đẳng, hài hòa giữa vợ và chồng.
Đây là một câu tục ngữ rất quen thuộc trong cuộc sống và hầu như chúng ta đã từng được nghe qua rất nhiều lần. Đặc biệt với những ai đã trưởng thành và lập gia đình thì đây là một câu nói vô cùng gần gũi.
Có rất nhiều gia đình, người vợ là người trực tiếp cùng chồng gây dựng sự nghiệp, bên cạnh đó thì cũng có những người vợ không tham gia vào việc làm ăn của chồng mà chỉ là hậu phương vững chắc cho chồng, trong trường hợp này thì câu tục ngữ trên vẫn đúng. Bởi vì nhờ sự vun vén gia đình, chăm sóc chồng con chu đáo thì người chồng mới có thể an tâm mà xây dựng sự nghiệp của mình.
Trong một gia đình ai cũng có những nhiệm vụ và vai trò riêng, chúng ta không thể so sánh công việc của ai vất vả hơn ai. Bất kể là làm công việc gì dù thì cũng đều có những khó khăn riêng.
Thế nên ông cha ta có câu “Của chồng công vợ” là không sai. Một mình người chồng đi ra bôn ba kiếm tiền thế nên không thể lo hết công việc gia đình mà phải san sẻ cùng vợ. Nếu không có hậu phương vững chắc là người vợ thì chồng cũng khó mà làm trụ cột nổi.
Ai cũng có sự bận rộn và vất vả nhất định, nếu vợ chồng thông cảm cho nhau được thì mỗi người đều sẽ biết ơn nhau và sống hạnh phúc. Họ sẽ không so sánh công lao của mình với người khác, từ đó hành động của mỗi người đều có sự bao dung và hôn nhân cũng sẽ được hạnh phúc.
Cách xác định nợ chung, nợ riêng trong thời kỳ hôn nhân?
Về cách xác định nợ chung trong thời kỳ hôn nhân, theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì ta có thể hiểu như sau:
(1) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
(2) Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
(3) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
(4) Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
(5) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
(6) Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Về cách xác định nợ riêng, dựa vào căn cứ nêu trên, có thể xác định như sau:
- Khoản nợ phát sinh trước thời kỳ hôn nhân;
- Khoản nợ phát sinh từ trường hợp chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng hoặc từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Khoản nợ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
Và căn cứ tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng như sau:
- Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
Trách nhiệm trả nợ chung của vợ chồng
Ngoài quy định về việc xác định khoản nợ chung, riêng của vợ chồng tại Điều 37 thì bên cạnh đó, Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng như sau:
- Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân gia đình 2014.
- Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.
"Của chồng công vợ" thì nợ của chồng trong thời kỳ hôn nhân, vợ có phải trả?
- Nếu khoản nợ được xác định là nợ chung thì dù xuất phát từ ý chí của vợ hoặc chồng hay cả hai vợ chồng thì cả hai vợ chồng cùng phải trả;
- Nếu khoản nợ là nợ riêng thì dù là nợ trước, trong hay sau thời kỳ hôn nhân thì người xác lập nên khoản nợ đó phải tự trả, không phát sinh trách nhiệm liên đới.
Như vậy, theo như lời chị kể, nợ của chồng là do người chồng đi vay mượn tiền để chăm lo cho gia đình, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Trường hợp này thuộc nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Do đó, cả hai vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau thực hiện việc chi trả nợ.