DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Công chứng viên thu phí công chứng, phí phát sinh không đúng quy định bị xử lý ra sao?

Avatar

 

Hiện nay, nhận thức của người dân và tổ chức về việc đảm bảo an toàn pháp lý ngày càng được cải thiện. Do đó, nhu cầu tìm đến văn phòng công chứng càng phổ biến hơn khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch.

Từ đó, phát sinh nhiều việc không như ý muốn, nhiều vụ việc tranh chấp xảy ra giữa người dân và văn phòng công chứng khi thu phí lúc này lúc khác, có khi phí thu cao đến gấp đôi cho cùng một loại dịch vụ. Sự việc này khiến người dân gặp không ít phiền toái. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin giúp người dân hiểu rõ và nắm bắt được những quy định về việc thu phí công chứng.

Phí công chứng là gì?

- Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.

Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.

- Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thù lao công chứng là gì?

Thù lao công chứng được quy định tại Điều 67 Luật Công chứng 2014 như sau:

- Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương.

Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình.

Tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng.

Những tổ chức, cá nhân nào sẽ nộp phí công chứng?

Căn cứ Điều 2 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định về người nộp phí, lệ phí công chứng, thì những tổ chức, cá nhân khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản cũng phải nộp phí chứng thực.

PHI-CONG-CHUNG

Những cơ quan, tổ chức nào sẽ thực hiện việc thu phí công chứng?

Căn cứ Điều 3 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định về tổ chức thu phí, lệ phí như sau:

Những cơ quan, tổ chức sẽ thực hiện việc thu phí công chứng bao gồm Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng sẽ là tổ chức thu phí công chứng, phí chứng thực.

Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) là tổ chức thu phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng.

Và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức thu phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng và lệ phí cấp thẻ công chứng viên.

Văn phòng công chứng thu phí công chứng không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?

Căn cứ điểm e khoản 2, điểm b khoản 8 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, trong đó:

Phạt tiền từ 07-10 triệu đồng đối với hành vi thu phí công chứng không đúng quy định.

Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đó.

Ngoài phí công chứng, công chứng viên có được thu thêm phí phát sinh khác không?

Tại Khoản 2 Điều 9 Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm theo Thông tư 11/2012/TT-BTP quy định “Hành vi nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định, thoả thuận.” thuộc một trong những việc công chứng viên không được làm trong quan hệ với người yêu cầu công chứng.

Đồng thời tại Điều 8 Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm theo Thông tư 11/2012/TT-BTP quy định về việc thu phí, thù lao công chứng như sau:

Công chứng viên có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai phí, thù lao công chứng theo quy định đã được niêm yết; khi thu phí, thù lao công chứng phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu cầu công chứng biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.

Như vậy có thể thấy công chứng viên không được thu bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định, thoả thuận.

Việc thu phí, thù lao công chứng phải thực hiện đúng, đủ và công khai phí, thù lao công chứng theo quy định đã được niêm yết và và thông báo cho người yêu cầu công chứng biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.

  •  414
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…