DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Con cái có được yêu cầu hủy di chúc của cha mẹ không?

Avatar

 

Cha lập di chúc để lại cho người cháu được quyền quản lý, sử dụng đất làm nơi thờ cúng tổ tiên, không được quyền định đoạt với quyền sử dụng đất. Nay cha đã mất, người cháu định cư ở nước ngoài, đất không ai coi quản, con cái trong nhà có được yêu cầu hủy di chúc của cha và chia thừa kế di sản theo pháp luật không?

(1) Di chúc để lại cho cháu có trái pháp luật không?

Theo Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. 

Căn cứ theo Điều 625 Bộ Luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản 

Do đó, trong bản di chúc của người cha thể hiện ý chí chỉ định người cháu được quyền quản lý, sử dụng đất làm nơi thờ cúng tổ tiên, không được quyền định đoạt với quyền sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, không trái với đạo đức của xã hội.

(2) Con cái được yêu cầu hủy di chúc của cha mẹ không?

Theo Điều 640 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:

- Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào

- Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

- Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

 Bên cạnh đó, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ (Điều 629 Bộ Luật Dân sự 2015)

Căn cứ vào quy định trên thì chỉ có người lập di chúc mới có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế và hủy bỏ di chúc đã lập. Con cái không có quyền yêu cầu hủy bỏ di chúc của người cha trong trường hợp này.

(3) Có được phân chia lại di sản thờ cúng không?

Tại khoản 1 Điều 645 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

“1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.”

Theo đó, di sản được để lại thờ cúng là di sản không được chia thừa kế và được giao cho người chỉ định quản lý, sử dụng trong việc thờ cúng.

Phần di sản được chỉ định phải dùng để thờ cúng thì chỉ được dùng để thờ cúng, không thuộc quyến sở hữu, định đoạt của bất kỳ người thừa kế hay người nào khác, trừ trường hợp định đoạt để thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại mà toàn bộ di sản không đủ để thực hiện(khoản 2 Điều 645 Bộ Luật Dân sự 2015)

Khi người quản lý di sản để thờ cúng không thể thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng để thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Dẫn chiếu vào trường hợp của bài viết, người cháu qua nước ngoài định cư nên không thể thực hiện việc thờ cúng như trong di chúc chỉ định thì anh em trong nhà có thể thỏa thuận với người cháu về việc phân chia lại di sản để thờ cúng cho người khác thực hiện. 

Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản, và có thể đề nghị Tòa án xem xét và công nhận thỏa thuận này. Việc áp dụng thỏa thuận chỉ mang tính chất tự nguyện không phủ nhận ý nghĩa, giá trị của di chúc mà người cha đã lập.

Như vậy, con cái không thể yêu cầu huy di chúc của cha me, nhưng có thể thỏa thuận với người quản lý di sản dùng để để thờ cúng về việc phân chia lại di sản để người khác tiếp tục thực hiện việc thờ cúng theo đúng phong tục, lễ nghi khi người quản lý không thể thực hiện được việc thờ cúng theo chỉ định của người để lại di chúc.

  •  438
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…