DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Có phải xem bói, coi tarot lúc nào cũng là vi phạm pháp luật?

Avatar

 

Dạo gần đây, câu nói ‘đúng nhận sai cãi” đang hot rần rần trên các diễn đàn. Câu nói này bắt nguồn từ một cô đồng đang xem bói và phán về quá khứ và tương lai của người được cho là khách hàng của cô.

Theo đó, câu nói này được nhiều bạn trẻ chế lại mỉa mai và từ đó tạo thành trend trên các nền tảng mạng xã hội. Vậy hành vi xem bói có phải lúc nào cũng là vi phạm pháp luật? 

Xem bói được hiểu như thế nào?

Xem bói là một từ ngữ dân gian có ý nghĩa chung là hình thức dự đoán về tương lai và nhìn thấu được quá khứ của bạn. Xét về khoa học thì xem bói được gọi là huyền học.

Dựa theo ngày tháng năm sinh hoặc dựa theo chỉ tay, các yếu tố biến đổi bên ngoài mà thầy bói đoán tình duyên, gia đạo, công danh,… ở tương lai. Có 2 hình thức xem bói là: Khoa học và không khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế các thầy bói vẫn kết hợp cả 2 hình thức này.

Hiện nay, trong giới trẻ còn tìm đến coi tarot, loại hình này bắt nguồn từ miền bắc nước Ý vào cuối thế kỷ 14 hoặc đầu thế kỷ 15. Nhưng cũng ý kiến nói rằng nó có nguồn gốc từ Ai Cập và Ấn Độ.

Việc bói bài tarot không chỉ dự đoán được tương lai của một người mà còn có thể cho họ biết về những điều mà họ chưa từng biết về bản thân mình. Điều này giúp họ có một cuộc sống hạnh phúc và yên bình, thậm chí giúp bạn hiểu được những bí mật sâu kín nhất trong cuộc sống của mình.

Theo đó, xem bói tarot được nhiều người ví như một hình thức để chữa lành tâm hồn.

Vậy xem bói, coi tarot có vi phạm pháp luật?

Theo Pháp luật Việt Nam, hiện nay pháp luật không có quy định nào cấm đối với hành vi coi bói nếu việc xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây nên hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

Ngược lại, đối với hành vi lợi dụng bói toán vi phạm quy định để trục lợi bất chính sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm pháp luật mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức xem bói có thể bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Khi việc xem bói biến tướng trở thành hành vi mê tín dị đoan với những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thì hành vi mê tín dị đoan này được xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính. 

Cụ thể căn cứ tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP và khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định:

- Hành vi tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội có thể bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng.

- Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.

Như vậy, hành vi tổ chức xem bói nhằm mục đích xấu, trục lợi thì được xem như là hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, cá nhân có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng.

Đối với người tham gia cũng sẽ bị phạt, cao nhất có thể bị phạt tiền lên đến 05 triệu đồng.

Lưu ý: Mức xử phạt này áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định Tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

- Làm chết người;

- Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.

  •  2942
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

2 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…