DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Có được thuê căn hộ chung cư để kinh doanh không?

Avatar

 

Hiện nay có nhiều người thuê chung cư không chỉ để ở mà còn làm cơ sở để thực hiện hoạt động kinh doanh, buôn bán. Câu hỏi đặt ra ở đây là việc thuê căn hộ chung cư để kinh doanh như vậy có hợp pháp không, và nếu trái luật thì họ sẽ bị xử lý như thế nào?

Căn hộ chung cư là gì?

Theo Khoản 3 Điều 4 Luật Nhà ở 2014, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Như vậy, căn hộ chung cư là một căn trong nhà chung cư. Một người có thể sở hữu một hoặc nhiều căn hộ trong nhà chung cư. Nhà chung cư có thể được xây dựng với hai mục đích: chỉ để ở và để ở kết hợp với kinh doanh.

Đồng thời, cũng tại Điều 4 Luật Nhà ở 2014 có các quy định về nhà chung cư như sau:

- Chủ sở hữu nhà chung cư là chủ sở hữu căn hộ chung cư, chủ sở hữu diện tích khác trong nhà chung cư.

- Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là phần diện tích bên trong căn hộ hoặc bên trong phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng riêng trong căn hộ hoặc trong phần diện tích khác của chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

- Phần sở hữu chung của nhà chung cư là phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư đó theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Có được thuê căn hộ chung cư để kinh doanh không?

Theo Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng nhà chung cư như sau:

- Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; 

Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.

- Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; 

Sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, đối với nhà chung cư được xây với mục đích để ở thì nghiêm cấm thuê căn hộ chung cư để thực hiện các hoạt động kinh doanh mà không phải để ở.

Đối với nhà chung cư hỗn hợp được xây để ở kết hợp với kinh doanh thì được phép thuê để kinh doanh nhưng phải đúng mục đích, nội dung của dự án và đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Thực hiện kinh doanh tại căn hộ chung cư không được kinh doanh bị xử lý thế nào?

Theo  Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình;

+ Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;

+ Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;

+ Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

+ Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;

+ Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức;

+ Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư;

+ Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng;

+ Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

+ Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư.

+ Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

+ Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở.

+ Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung.

+ Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp

Như vậy, đối với hành vi sử dụng căn hộ chung cư không phải mục đích để ở sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng và buộc sử dụng căn hộ vào mục đích để ở, tức dừng lại hoạt động kinh doanh.

Đối với hành vi sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp khác đi so với mục đích ban đầu (kinh doanh lĩnh vực khác) thì sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng và buộc sử dụng đúng mục đích ban đầu, tức dừng lại các hoạt động kinh doanh sai mục đích.

  •  1085
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…