Gần đây, một bức ảnh xe ô tô bán tải trắng dán decal màu trắng, xanh gây nhầm lẫn với màu xe của CSGT gây xôn xao trong dư luận. Vậy có được phép dán decal xe giống với xe của CSGT không? Hãy tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Xe ô tô tuần tra của CSGT được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA về phương tiện giao thông (Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dùng) của CSGT như sau:
- Hai bên thành xe có vạch sơn phản quang màu xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” màu trắng (bằng chất liệu phản quang), kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm, cân đối hai bên thành xe.
- Hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang), kích thước khổ chữ tối đa bằng ⅔ khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu CSGT ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. Tùy từng loại xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ cho cân đối và phù hợp.
- Lắp đặt đèn, cờ hiệu Công an, còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp như sau:
+ Tuần tra, kiểm soát cơ động.
+ Kiểm soát tại một điểm vào buổi tối, ban đêm.
+ Ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.
(2) Có được dán decal xe giống với xe CSGT không?
Căn cứ theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.
- Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Chủ phương tiện, người lái chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, không có quy định nào cấm người chủ phương tiện dán decal xe tương tự với xe của CSGT. Mà chỉ có những quy định mà người chủ xe cần phải đảm bảo như không thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ lãnh đạo của một đội CSGT cho biết, trường hợp chữ màu xanh của xe ô tô được thay bằng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” hay người chủ xe tự ý lắp thêm đèn, cờ hiệu công an... thì phải chịu trách nhiệm theo quy định.
(3) Chủ xe tự ý lắp đặt đèn, còi, cờ hiệu công an bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 15 Nghị định 109/2009/NĐ-CP có quy định như sau:
“Nghiêm cấm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc loại xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên hoặc xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định của Nghị định này.”
Mức xử phạt cho hành vi nêu trên được quy tại Điểm e Khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 02 đến 03 triệu đồng đối với trường hợp xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
- Đồng thời, tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định và tước quyền sử dụng GPLX từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Trường hợp gây tai nạn thì bị tước quyền sử dụng GPLX từ 02 tháng đến 04 tháng.
Như vậy, trường hợp người chủ xe tự ý gắn đèn, còi, cờ hiệu của công an lên xe ô tô có thể bị xử phạt từ 02 đến 03 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn bị áp dụng những hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử GPLX và bị tịch thu các thiết bị đã lắp đặt.