Hiện nay, trước khi giao kết hợp đồng lao động chính thức thì phần lớn người sử dụng lao động đều đặt ra yêu cầu thử việc đối với người lao động, qua đó để đánh giá năng lực, chuyên môn, tính cách có phù hợp với môi trường làm việc doanh nghiệp, tổ chức của mình hay không. Quy định về thử việc được quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
Điều 26. Thử việc 1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này. 2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc. |
Theo quy định trên, người lao động và người sử dụng lao động có thể ký với nhau hợp đồng thử việc trước khi giao kết hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, không có quy định nào về việc bắt buộc phải thử việc. Trong trường hợp thử việc thì chỉ được thử việc 1 lần đối với 1 công việc. Việc ký hay không ký hợp đồng thử việc hoàn toàn là do sự thỏa thuận của các bên.
Riêng đối với hợp đồng lao động mùa vụ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Lao động 2012, khi người lao động làm việc theo loại hợp đồng này thì không phải thử việc. Trường hợp doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải thử việc thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (theo khoản 5 Điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP).