Ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm, tôn vinh nghề dạy học, các nhà giáo; những người làm công tác giáo dục; đồng thời thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với ngành nghề cao quý này, biểu thị truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ta.
Ngày 20/11 có một lịch sử hết sức tốt đẹp, đáng tự hào đối với các nhà giáo tiến bộ trên thế giới nói chung và với các nhà giáo Việt Nam nói riêng.
Cụ thể, lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam, tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo dục (FISE). Năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, tổ chức này xây dựng bản Hiến chương Các nhà giáo.
Đến tháng 7/1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới nhất trí thông qua bản Hiến chương Các nhà giáo gồm 15 chương.
Từ ngày 26 - 30/8/1975, tại Warszawa - thủ đô Ba Lan - diễn ra hội nghị FISE với 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hội nghị quyết định lấy ngày 20/11/1958 là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, đó chính là nguồn gốc ngày 20/11.
Do tính chất và mục đích tốt đẹp của ngày hiến chương các nhà giáo quốc tế, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các nhà giáo Việt Nam, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam
Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên được Đảng, nhà nước, Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức hết sức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội vào ngày 20/11/1982 buổi lễ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của đảng, nhà nước về vị trí, vai trò của Nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ tổ quốc.
Kể từ đó, việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hàng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam và gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo của đất nước ta.
Trong ngày này, các cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của giáo viên kháng chiến nói chung.
Đến năm 2022, Ngày nhà giáo Việt Nam đã ra đời 40 năm, sau mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, toàn ngành Giáo dục đều được động viên khích lệ, về cả vật chất lẫn tinh thần để vượt qua khó khăn gian khổ, thi đua dạy tốt, rèn luyện phẩm chất trong sáng để “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để ngành Giáo dục đánh giá lại hoạt động và lập phương hướng nâng cao chất lượng dạy học.
Một lần nữa, nhân ngày 20/11, kính chúc các thầy giáo, cô giáo dồi dào sức khỏe, chúc sự nghiệp giáo dục sẽ ngày càng phát triển và góp phần xứng đáng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.