Việc chơi hụi dường như là cụm từ quen thuộc với các thế hệ trước, trong hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trước đây, nội bộ thường lập ra các nhóm nhỏ để chơi theo hình thức này.
Việc chơi hụi chỉ được pháp luật thừa nhận bắt đầu từ năm 2006, thế nhưng với nhiều người chơi họ vẫn chưa nắm được việc chơi hụi này như thế nào là đúng quy định pháp luật, và như thế nào là trái pháp luật.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về quy định pháp luật của việc chơi hụi.
Thế nào hụi?
Là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Hình thức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định pháp luật.
Có 2 hình thức hụi
Hụi có lãi và hụi không có lãi.
Đối với hụi có lãi, lãi suất bao nhiêu là không phạm luật?
Lãi suất trong trường hợp chơi hụi có lãi tối đa là 13.5%/năm tại thời điểm hiện nay.
(Không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định – theo Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 và lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định là 9%/năm – Quyết định 2868/QĐ-NHNN năm 2010)
Nghiêm cấm tổ chức chơi hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi
Tức là chơi hụi có lãi với lãi suất cao hơn 13.5%/năm.
Ngoài ra, nghiêm cấm việc tổ chức chơi hụi để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Các hành vi bị nghiêm cấm này nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự và phạt tiền.
Phạt tù với trường hợp chơi hụi trái luật
- Trường hợp chơi hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi sẽ bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ đến 1 năm, nếu thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân tùy theo mức độ vi phạm.
(Căn cứ Bộ luật hình sự 1999)