DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chính thức: Thẩm phán có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu, có quyền miễn trừ trách nhiệm

Avatar

 

Ngày 24/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, bao gồm 9 chương, 152 điều. Theo đó, có những điểm đáng chú ý như sau.

(1) Thẩm phán có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu

Cụ thể, tại Điều 100 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán như sau:

- Nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. 

- Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Trường hợp được bổ nhiệm lại thì có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. 

- Thẩm phán TAND được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi được phân công lại làm Thẩm phán TAND thì sẽ không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ là đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. 

- Thẩm phán không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp thì khi đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm và có nguyện vọng thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn, trường hợp này nhiệm kỳ sẽ được tính là nhiệm kỳ đầu.

Theo đó, kể từ 01/1/2025, Thẩm phán TANDTC sẽ làm việc đến khi nghỉ hưu, Trường hợp Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 05 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu.

(2) Được phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có quy định về việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp, ngoại trừ trường hợp được quy định tại Khoản 4 Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được thực hiện như sau:

- Việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp.

- Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

- Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, Thẩm phán nêu trên phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

(3) Luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 96 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có quy định, trường hợp người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội và có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và 6 Điều 94  Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, đủ điều kiện bổ nhiệm quy định tại Điểm a và c Khoản 1 Điều 96 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND tối cao khi thuộc một trong những trường hợp như sau:

- Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao. 

- Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

(4) Thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ, có quyền miễn trừ trách nhiệm

Về tuyên thệ: Tại Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có quy định Thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý chỉ tuân theo pháp luật, khách quan và công bằng; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. 

Theo đó, Chánh án TAND tối cao sẽ quy định cách thức tuyên thệ cụ thể của Thẩm phán.

Về quyền miễn trừ trách nhiệm: Tại Điều 11 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có quy định về Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, cụ thể như sau:

- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. 

- Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và người có chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó. 

- Không điều tra đối với Thẩm phán, Hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng. Ngoại trừ trường hợp có căn cứ xác định vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó.

Liên quan nội dung này, tại Điều 105 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có quy định trường hợp Thẩm phán TAND tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND tối cao biết. Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán TAND tối cao thì cơ quan điều tra phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND tối cao biết.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu TNHS theo quy định.

Có thể thấy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 đã bổ sung thêm quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm với thẩm phán.

Xem chi tiết tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực thi hành từ 01/1/2025. Theo đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 cũng đồng thời hết hiệu lực từ ngày này, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và khoản 2 Điều 152 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

  •  262
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…