Chính sách về hưu truớc tuổi, đặc biệt là với đối tượng cán bộ công chức, viên chức được chia thành các trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Về hưu truớc tuổi thuộc diện tinh giản biên chế
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế được quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Điều 8. Chính sách về hưu trước tuổi
1. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:
a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Điểm b Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;
c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;
3. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
4. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài ra, việc giải quyết chế độ hưu trí được quy định tại Điểm 2.1 Khoản 2 Công văn 2538/BHXH-CSXH năm 2015.
Trường hợp 2: Nghỉ hưu trước tuổi thuộc trường hợp suy giảm khả năng lao động
Nếu công chức không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu được tính như sau:
- Được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH (nghỉ hưu từ năm 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm và từ 2022 trở đi là 20 năm); sau đó cứ mỗi năm được tính thêm 2%.
- Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm đi 2%.
Ngoài ra, chị có thể tham khảo thêm Điều 54, 56, 57 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 để biết thêm về điều kiện cũng như chính sách đối với ngừoi lao động hưởng luơng hưu. Tóm lại, khi nghỉ hưu trước tuổi, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng chế độ hưu trí như quy định nêu trên của Luật Bảo hiểm xã hội. Nếu thuộc trường hợp tinh giản biên chế mà phải nghỉ hưu trước tuổi, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng thêm nhiều chế độ hơn.