DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chính sách mới về giáo dục, đất đai, dịch vụ pháp lý có hiệu lực từ tháng 12/2022

Sắp tới, bước vào tháng 12/2022, có nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực tác động đến đời sống. Một trong số đó phải kể đến những chính sách nổi bật về các lĩnh vực như sau: giáo dục, đất đai, dịch vụ pháp lý, kế toán kiểm toán. Theo đó, nêu một số nội dung trọng điểm như:

1. Sử là môn học bắt buộc đối với học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ngày 08/11/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN.

Theo đó, quy định về môn học trong khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

- Các môn học bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Lịch sử.

- Các môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.

Thời lượng giảng dạy của các môn học: Toán, Ngữ văn là 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử là 168 tiết/môn học.

Mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc và ít nhất 1 môn học lựa chọn. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Về tổ chức giảng dạy thực hiện như sau:

- Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môn học, mỗi lớp học có không quá 45 người học.

- Mỗi môn học được giảng dạy trong ba kỳ.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kì và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy môn học.

- Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: học lý thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

- Thực hiện các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người học; chú trọng rèn luyện cho người học phương pháp tự học, tự nghiên cứu.

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/12/2022.

2. Vi phạm về cấp văn bằng GDNN có thể bị phạt tới 150 triệu đồng

Ngày 26/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, quy định phạt tiền đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau:

- Phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng với hành vi vi phạm dưới 10 người học;

- Phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng với hành vi vi phạm từ 10 đến dưới 20 người học;

- Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng với hành vi vi phạm từ 20 đến dưới 30 người học;

- Phạt tiền từ 100 đến 120 triệu đồng với hành vi vi phạm từ 30 đến dưới 40 người học;

- Phạt tiền từ 120 đến 150 triệu đồng đối với hành vi vi phạm từ 40 người học trở lên.

(So với quy định cũ tại Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi trên).

Mức phạt nêu trên cũng áp dụng với các vi phạm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau đây:

- Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng tên ngành, nghề đào tạo hoặc ngành, nghề đào tạo không được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN, GCN đăng ký hoạt động GDNN, GCN đăng ký bổ sung hoạt động GDNN, GCN đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài;

- Ngành nghề đào tạo không có tên trong quyết định tự chủ mở ngành nghề đào tạo, quyết định tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài.

Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/12/2022 và thay thế Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

chinh-sach-moi-thang-12-2022

 

3. 10 việc Thừa phát lại không được thực hiện đối với khách hàng

Đây là nội dung tại Thông tư 08/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp ban hành về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại. Thông tư 08/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.

Cụ thể, Thông tư đã quy định những việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu như sau:

(1)  Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu.

(2) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

(3) Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu.

(4) Nhận thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại.

(5) Lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền, lợi ích của chính mình với người yêu cầu, những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

(6) Tư vấn, xúi giục, thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

(7) Gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ.

(8) Câu kết, thông đồng với người yêu cầu, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc đã thực hiện hoặc hành vi gian dối khác.

(9) Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.

(10) Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Tại Thông tư 08/2022/TT-BTP đã quy định rõ những trường hợp mà một Thừa phát lại không được làm đối với người yêu cầu. Những việc làm này không những làm ảnh hưởng đến người yêu cầu thực hiện mà còn ảnh hưởng đến uy tín, nghề nghiệp của Thừa phát lại. 

Vì thế, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Điều 18 Thông tư 08/2022/TT-BTP có nêu rõ, Thừa phát lại gương mẫu trong thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì được Nhà nước và xã hội ghi nhận, vinh danh.

Ngược lại, Thừa phát lại không đúng quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); bị xử phạt hành chính; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị miễn nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhà nước

Ngày 03/11/2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 02/2022/QĐ-KTNN quy định về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhà nước. 

Theo đó, trình tự tổ chức theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được quy định như sau:

- Thu thập, tổng hợp thông tin về kết luận, kiến nghị kiểm toán và tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

- Đánh giá tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

- Tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, bao gồm:

+ Phân công bộ phận giúp việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán;

+ Trả lời bằng văn bản đối với báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán;

+ Đôn đốc hoặc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

+ Xử lý khiếu nại, kiến nghị về kết luận, kiến nghị kiểm toán.

(Hiện nay quy định bao gồm: đôn đốc hoặc kiểm tra việc thực hiện; xử lý khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về kết luận, kiến nghị kiểm toán).

- Thực hiện cập nhật và thiết lập cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (Quy định mới)

- Tổng hợp, báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Quyết định 02/2022/QĐ-KTNN có hiệu lực ngày 18/12/2022, thay thế Quyết định 07/2016/QĐ-KTNN ngày 14/12/2016.

5. Quy định quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền

Ngày 28/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2022/NĐ-CP về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

Trong đó, quy định cụ thể về việc quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền.

Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 90/2022/NĐ-CP nêu rõ 03 hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền như sau:

(1) Căn cứ Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện:

- Thỏa thuận với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được sử dụng nhà để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) sử dụng nhà quy định về trách nhiệm của các bên trong thời gian sử dụng.

- Tổ chức thực hiện việc bàn giao nhà, đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Việc bàn giao được lập thành biên bản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

- Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ nhà, đất do tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trả lại khi hết thời hạn sử dụng không phải trả tiền. Lập phương án bố trí sử dụng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(2) Trường hợp Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao cỏ quy định trách nhiệm của bên Việt Nam phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa nhà trong thời gian sử dụng thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa do đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại tự đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; trường hợp phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp thì chi phí cho việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp được sử dụng từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Việc bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư, cải tạo, nâng cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

(3) Nhà nước không thu tiền thuê nhà, đất đối với diện tích nhà, đất sử dụng theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền.

Nghị định 90/2022/NĐ-CP thay thế Quyết định 56/2014/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

  •  505
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…