Chia nhỏ dự toán để chỉ định thầu có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?
Chỉ định thầu là một trong những hình thức đấu thầu đặc biệt, khi hình thức này cho phép bên mời thầu được quyền chỉ định, lựa chọn một nhà thầu cụ thể để thực hiện gói thầu. Bản chất của chỉ định thầu không có nhiều sự cạnh tranh, hay thậm chí là không có. Do đó, nhà nước quản lý rất chặt chẽ đối với hình thức này.
Chia nhỏ dự toán gói thầu để chỉ định thầu có vi phạm không?
Trên thực tế, đã xảy ra những trường hợp bên mời thầu cố tình chia nhỏ dự toán gói thầu lớn đến thực hiện chỉ định thầu từng gói thầu nhỏ, nhằm một số mục đích nhất định.
Theo quy định tại điểm k khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu 2013, hành vi chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu được xác định là hành vi không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Đây là hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện chia nhỏ dự toán gói thầu để chỉ định thầu thì tùy vào mức độ, tính chất của vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chia nhỏ dự toán để chỉ định thầu?
Như nội dung đề cập trên, hành vi chia nhỏ gói thầu để thực hiện chỉ định thầu được xác định là hành vi không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu.
Tại Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP đối với hành vi không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, đối với cá nhân vi phạm thì sẽ bị phạt tiền ở mức ½ mức của tổ chức, cụ thể mức phạt của cá nhân sẽ giao động từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Có thể thấy, mức phạt đối với hành vi chia nhỏ dự toán gói thầu để thực hiện chỉ định thầu là tương đối cao so với các hành vi vi phạm khác trong đấu thầu.
Chia nhỏ dự toán gói thầu để chỉ định thầu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì?
Theo quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi 2017 thì hành vi chia nhỏ gói thầu để thực hiện chỉ định thầu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
- Gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Khung hình phạt nhẹ nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, còn hình phạt nặng nhất người phạm tội phải đối mặt là phạt tù 20 năm.
Ngoài những chế tài nêu trên, tổ chức, cá nhân thực hiện chia nhỏ dự toán gói thầu để chỉ định thầu còn phải đối mặt thêm với một số hình thức xử lý sau:
- Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm.
- Hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu hình thành trên cơ sở gói thầu được chia nhỏ dự toán để chỉ định thầu.
- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Từ những nội dung trên, có thể nhận thấy, pháp luật đã có những chế tài thể hiện sự nghiêm khắc, khắt khe đối với hành vi chia nhỏ dự toán để thực hiện chỉ định thầu. Tuy nhiên, mặc dù đã có chế tài nghiêm khắc nhưng vẫn xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng trên thực tế. Điển hình như một trường hợp một bệnh viện công đã chia nhỏ dự toán mua sắm trị giá 95 tỷ để ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu với giá trị mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu. Thiết nghĩ, để xảy ra trường hợp trên thì cũng phải xem xét đến cơ chế quản lý, giám sát của cơ quan chức năng cũng như cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu. Có phải pháp luật đang chưa có những cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động đấu thầu diễn ra đúng quy định pháp luật?