Hiện nay, xe máy điện, xe đạp điện được sử dụng rộng rãi nhằm giảm thải khí ô nhiễm môi trường đồng thời cũng tiết kiệm giá thành mà lại tiện lợi. Tuy nhiên, có người chạy xe máy điện vẫn bắt buộc có giấy phép lái xe (GPLX), vậy loại xe máy điện nào phải thi bằng lái xe?
1. Xe máy điện công suất bao nhiêu phải có GPLX?
Theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h;
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các loại phương tiện giao thông đường bộ là xe máy, xe mô tô bắt buộc người điều khiển phải có bằng lái xe như sau:
- Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
- Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
- Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
Căn cứ các quy định trên thì người chạy xe máy điện có vận tốc nhỏ hơn 50km/h không thuộc trường hợp phải có bằng lái xe. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có những loại xe máy điện, mô tô điện có vận tốc lớn hơn 50km/h thì khi điều khiển xe này người tham gia giao thông cần phải có bằng lái A1.
2. Điều kiện quy định độ tuổi và sức khỏe của người lái xe
- Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
+ Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
+ Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
+ Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
+ Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
+ Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
+ Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
- Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.
- Người lái xe phải đáp ứng “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe” tại Phụ lục số 01 tải
- Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe quy định nêu trên không áp dụng cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi - lanh dưới 50 cm3.
3. Giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện có quy định thời hạn?
Theo Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 thời hạn sử dụng GPLX được căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, GPLX được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.
Tại khoản 2 Điều này cho biết GPLX của xe máy điện là không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:
- Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
- Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
- Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
Như vậy, không phải bất kỳ loại xe máy điện, mô tô điện nào cũng yêu cầu phải có GPLX mới được điều khiển mà các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu bằng điện nêu trên có dung tích động cơ từ 50 cm3 thì mới yêu cầu GPLX còn dưới 50 cm3 thì không cần phải có GPLX.