Hiện nay, tình trạng kết hôn sớm hay có con rồi mới kết hôn cũng không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt như con được sinh ra khi cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Vậy trong trường hợp này, con có được làm giấy khai sinh hay không?
Độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện kết hôn của nam và nữ như sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình.
Như vậy, nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là đủ tuổi đăng ký kết hôn trừ các trường hợp cấm kết hôn theo quy định pháp luật.
Hành vi kết hôn với người chưa đủ tuổi (tảo hôn) hay tổ chức tảo hôn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể:
- Phạt tiền từ 01-03 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
- Phạt tiền từ 03-05 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Xem bài viết liên quan: Liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi
Khai sinh nhưng chưa nhập hộ khẩu cho con có bị phạt không?
Con có được khai sinh khi cha mẹ không đủ tuổi đăng ký kết hôn không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền được khai sinh, khai tử như sau: Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.
Đồng thời, căn cứ tại Điều 13 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trẻ em có quyền được khai sinh kể cả khi cha mẹ chưa đủ tuổi để đăng ký kết hôn. Ngoài ra, hiện nay, không có quy định nào bắt buộc mẹ phải trên 18 tuổi mới được quyền đăng ký khai sinh cho con.
Cha mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con
Căn cứ tại Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Ví dụ:
Trường hợp khi cha, mẹ không đủ tuổi thì khi đăng ký khai sinh cho con trên giấy khai sinh chỉ ghi tên người mẹ, bỏ trống tên cha và xác định họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.
Nếu muốn có tên cha trong Giấy khai sinh thì cha, mẹ phải cùng lúc phải thực hiện thủ tục nhận cha con và đăng ký khai sinh cho con. Xem hướng dẫn: Thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con
Xem bài viết liên quan: Đăng ký khai sinh cho con sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam