DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cách thức bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Avatar

 

Để được bảo vệ, thông thường nhãn hiệu phải được đăng ký cấp văn bằng bảo hộ, nhưng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, việc đăng ký này không bắt buộc. Bởi lẽ, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Điều đó không có nghĩa là chủ sở hữu không có quyền đăng ký và không nên đăng ký. Trong thực tế, thường xuyên, chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu để có được sự an toàn nhất định. Vấn đề được đặt ra là nhãn hiệu nổi tiếng được bảo vệ ở Việt Nam như thế nào?

Theo Điều 72 Luật SHTT, “nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: “là dấu hiệu nhìn thấy được (khoản 1) và “có khả năng phân biệt” (khoản 2). Về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, điểm i khoản 2 Điều 74 Luật SHTT quy định:

Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu.

Với quy định trên, khi nhãn hiệu của người khác (trùng hay tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng) “cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng” thì nhãn hiệu này không được bảo hộ. Cụ thể, nếu được yêu cầu bảo hộ, Cục SHTT sẽ từ chối bảo hộ và, nếu Cục SHTT đã cấp văn bằng bảo hộ thì văn bẳng bảo hộ này bị hủy bỏ trên cơ sở Điều 96 Luật SHTT do “không đáp ứng điều kiện bảo hộ”.

Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, Điều 6 bis Công ước Paris nêu ra ba biện pháp đối với chủ thể khác sử dụng dấu hiệu với vai trò là nhãn hiệu làm ảnh hưởng tới nhãn hiệu nổi tiếng là “các nước thành viên Liên minh có trách nhiệm từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu” của các chủ thể khác.

Trong pháp luật Việt Nam, chúng ta cũng có quy định ngăn cấm sử dụng nhãn hiệu gây ảnh hưởng tới nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 202 Luật SHTT, “Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Buộc chấm dứt hành vi hành vi xâm phạm”. Để áp dụng biện pháp này, chúng ta phải chứng minh được có “hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

Đối với trường hợp sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng của người khác (đã được bảo hộ) để làm tên thương mại, xử lý ra sao?

Điều 6 Bis Công ước Paris đề cập đến bảo hộ nổi tiếng nhưng nội hàm của điều luật này chỉ bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng chống lại việc người khác sử dụng dấu hiệu với tư cách là “nhãn hiệu” (xung đột giữa các nhãn hiệu), tức chỉ theo hướng chống lại nhãn hiệu mà người khác sử dụng và chưa nói đến việc chống lại việc sử dụng các dấu hiệu phân biệt với vai trò khác như tên thương mại, tên miền…

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nếu việc sử dụng tên thương mại được xác định là xâm phạm tới quyền đối với nhãn hiệu thì chúng ta có thể áp dụng biện pháp “chấm dứt hành vi xâm phạm” nêu trên. Giải thích cho quy định trên, tại điểm d khoản 1 Điều 129 và Điều 202 Luật SHTT theo hướng buộc chấm dứt việc “sử dụng dấu hiệu trùng hay tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng” trong khi đó tên thương mại là một dạng của dấu hiệu theo nghĩa của Luật SHTT (xem Điều 130) nên việc sử dụng tên thương mại “trùng hay tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng” là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Như vậy, khác với Điều 6 Bis Công ước Paris, pháp luật SHTT Việt Nam đã có quy định bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng chống lại việc sử dụng dấu hiệu với mục đích khác nhãn hiệu như tên thương mại.

Một câu hỏi được đặt thêm, còn vấn đề xung đột giữa tên miền và nhãn hiệu nổi tiếng sẽ xử lý như thế nào? Câu trả lời cũng sẽ được hiểu tương tự với cách hiểu xung đột giữa tên thương mại với nhãn hiệu, thì tên miền cũng sẽ được xem xét như vậy.

Tóm lại, pháp luật SHTT Việt Nam đã có quy định về việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng cũng như cơ chế bảo hộ loại đối tượng này. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành so với thực trạng nhãn hiệu nổi tiếng đang bị xâm phạm cho thấy pháp luật vẫn chưa thực sự làm tốt công việc bảo hộ đối tượng này.

  •  2307
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…