DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cách phân biệt tạm giữ và tước Giấy phép lái xe

Avatar

 

Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai hình thức xử phạt trên. Vậy nên hãy cùng phân biệt chúng. Bị tước GPLX nhưng vẫn tham gia giao thông thì bị xử phạt thế nào? Giao xe cho người bị tước GPLX sử dụng thì bị xử phạt thế nào?

(1) Cách phân biệt tạm giữ và tước Giấy phép lái xe

Tiêu chí

Tạm giữ Giấy phép lái xe

Tước Giấy phép lái xe

Bản chất

Căn cứ theo Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định:

Tạm giữ GPLX là biện pháp ngăn chặn để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt.

Theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

Tước GPLX là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.

Trường hợp áp dụng

Tổ chức hay cá nhân vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ các loại giấy tờ sau đây: 

- Giấy phép lái xe.

- Giấy phép lưu hành phương tiện.

- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện.

Áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông.

Thời hạn

Căn cứ theo Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hạn tạm giữ Giấy phép lái xe như sau:

- Không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

- Trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

- Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc mà cá nhân có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

- Trường hợp mà cá nhân có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Căn cứ theo Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hạn tước GPLX như sau:

- Từ 01 đến 24 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

- Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép lái xe trong thời hạn tước quyền sử dụng.

Lưu ý: 

- Thông thường, thời hạn tạm giữ Giấy phép lái xe là cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt theo thời hạn được ghi tại biên bản xử phạt.

- Trong thời hạn bị tạm giữ thì cá nhân, tổ chức vẫn được phép điều khiển phương tiện.

- Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước Giấy phép lái xe nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép theo quy định đối với hành vi vi phạm. 

- Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Hậu quả

Căn cứ theo Khoản 7 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020:

Việc tạm giữ Giấy phép lái xe không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng giấy phép.

Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản, người vi phạm chưa đến để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Căn cứ Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012Nghị định 123/2021/NĐ-CP:

Trong thời gian bị tước Giấy phép lái xe thì cá nhân, tổ chức không được lái xe tham gia giao thông.

Để dễ hiểu, có thể phân biệt tạm giữ và tước Giấy phép lái xe như sau:

- Tạm giữ Giấy phép lái xe thường sẽ là hình thức để “làm tin” trong trường hợp chỉ phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo người vi phạm sẽ nộp phạt. Sau khi nộp phạt mới được lấy Giấy phép lái xe. Và trong thời gian tạm giữ người vi phạm vẫn được lái xe bình thường và có thể xuất trình biên bản xử phạt thay cho Giấy phép lái xe trong thời gian này.

- Tước Giấy phép lái xe là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức  áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Từ đó có thể thấy, việc tước Giấy phép lái xe thường thường sẽ được áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng hơn. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức xử phạt này là trường hợp bị tạm giữ Giấy phép lái xe người vi phạm vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn tước Giấy phép lái xe thì không.

(2) Bị tước GPLX nhưng vẫn tham gia giao thông thì bị xử phạt thế nào?

Đầu tiên, để làm rõ thì tại Khoản 4 Điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định như sau:

- Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép.

Như vậy, khi bị tước Giấy phép lái xe thì người vi phạm sẽ bị xử phạt như không có giấy phép được quy định tại Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.

Như vậy, người vi phạm bị tước Giấy phép lái xe mà vẫn tham gia giao thông thì sẽ bị áp dụng mức phạt như không có giấy phép với mức phạt từ 10 đến 12 triệu đồng.

(3) Giao xe cho người bị tước GPLX sử dụng thì bị xử phạt thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì trường hợp người chủ phương tiện giao cho người bị tước Giấy phép lái xe sử dụng phương tiện thì sẽ bị xử phạt như sau:

“Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: 

h) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);"

Như vậy, việc giao xe cho người bị tước Giấy phép lái xe có thể phải chịu mức phạt từ 04 đến 06 triệu đồng đối với cá nhân và từ 08 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức.

Để tổng kết lại, tạm giữ và tước Giấy phép lái xe là hai hình thức xử phạt hoàn toàn khác nhau. Khi bị tạm giữ Giấy phép lái xe thì người vi phạm vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong khi người bị tước Giấy phép lái xe thì không được. Trường hợp người bị tước Giấy phép lái xe vẫn tham gia giao thông hoặc chủ xe giao xe cho người bị tước Giấy phép lái xe sử dụng thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

  •  7064
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…