Các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng.
Trí tuệ là thành quả lao động sáng tạo do con người làm ra, được pháp luật công nhận và bảo hộ. Nhãn hiệu là một trong những đối tượng quan trọng được Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác nhau.
Căn cứ vào Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ về điều kiện chung đối với một nhãn hiệu được bảo hộ gồm có:
Điều kiện 1: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Để đáp ứng được điều kiện thì nhãn hiệu phải là những nhãn hiệu tri giác được. Ở Việt Nam không công nhận bảo hộ về mùi hương hay vị của sản phẩm.
Điều kiện 2: Nhãn hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam còn bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Để được xem là nhãn hiệu nổi tiếng phải Luật Sở hữu trí tuệ có đưa ra những tiêu chí đáng giá tại Điều 75 Luật SHTT, gồm:
-
Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
Điều đó có nghĩa là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng phải có danh tiếng trong một bộ phận công chúng nhất định. “Bộ phận công chúng” được hiểu là những người có liên quan đến loại nhãn hiệu hàng hoá đó, những khách hàng tiềm năng.
-
Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã lưu hành;
Đây là tiêu chí xác định yếu tố không gian, thời gian mà nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng. Nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng không những được sử dụng tại nước đăng kí bảo hộ lần đầu tiên mà còn sử dụng rộng rãi khu vực và trên toàn thế giới.
Mặt khác, nhãn hiệu hàng hoá đó phải được sử dụng lâu dài kể từ thời điểm đăng kí bảo hộ lần đầu tiên hoặc được sử dụng lần đầu tiên. Hai yếu tố không gian và thời gian tỉ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của một nhãn hiệu hàng hoá tạo nên uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu hàng hoá; ngược lại nhãn hiệu hàng hoá càng nổi tiếng thì càng nhiều người biết đến, sử dụng, công nhận nó.
-
Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
Doanh số từ việc bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra bao nhiêu sản phẩm, lượng dịch vụ đã cung cấp là bao nhiêu.
-
Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
Các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có thời hạn sử dụng liên tục trong nhiều năm, được nhiều người dùng biết đến.
-
Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
Uy tín này có được thông qua các tiêu chí như: Chất lượng, mùi vị, giá thành… nhiều người biết đến hàng hoá đó và tín nhiệm không chỉ ở quốc gia đăng kí nhãn hiệu mà còn trên phạm vi khu vực hoặc thế giới.
-
Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
-
Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
-
Gía chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.”
Có thể nhận thấy nhãn hiệu nổi tiếng khác với nhãn hiệu thông thường ở danh tiếng của nhãn hiệu đó do bộ phận công chúng có liên quan thông qua các hoạt động quảng cáo của nhãn hiệu, thông qua số lượng và doanh số hàng hóa được bán ra hay dịch vụ được cung cấp... Tuy nhiên, những tiêu chí luật định chỉ mang tính định tính. Số lượng cụ thể bao nhiêu vẫn được quyết định dựa trên sự đánh giá chủ quan của Thẩm phán.
Minh Trang