Bộ Tài Nguyên và Môi Trường hiện đang lấy ý kiến về các Dự thảo Nghị định liên quan việc thi hành Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 có hiệu lực từ 01/08/2024. Ngoài nội dung về 04 phương pháp định giá đất mới, Bộ còn đề xuất quy định mới về xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
(1) Căn cứ xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất:
Việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất phải được căn cứ dựa trên những yếu tố như sau:
- Phương pháp định giá đất: áp dụng các phương pháp định giá đất phù hợp như quy định tại điểm a,b,c Khoản 6 Điều 158 Luật Đất đai 2024 và Dự thảo Nghị định này.
- Kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường: bao gồm giá giao dịch thực tế, giá do tổ chức định giá công bố, thông tin thị trường bất động sản.
- Kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành: đánh giá mức độ phù hợp, tác động đến giao dịch đất đai.
- Các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất: xem xét vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, hạ tầng, quy hoạch, yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội.
(2) Nội dung xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất:
- Phạm vi áp dụng:
+ Bảng giá đất được xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh.
+ Đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất, bảng giá đất được xây dựng theo vị trí đất.
+ Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất, bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị và thửa đất chuẩn.
- Bảng giá đất bao gồm các loại đất như sau:
Ngoài các loại đất đã nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành chi tiết bảng giá các loại đất theo phân loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 để phù hợp với thực tế tại từng địa phương.
- Quy định giá đất trong bảng giá đối với một số loại đất khác:
+ Đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị có khả năng sinh lợi cao: Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh có thể quy định mức giá đất cao hơn so với bảng giá đất, căn cứ vào thực tế tại địa phương.
+ Đối với thửa đất ở có các yếu tố thuận lợi hoặc kém thuận lợi hơn so với các thửa đất ở có cùng vị trí đất trong bảng giá đất: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quy định tăng hoặc giảm giá.
+ Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng: Mức giá đất được quy định dựa vào giá đất rừng sản xuất tại khu vực lân cận và phương pháp định giá đất.
+ Các loại đất nông nghiệp khác: Mức giá đất được quy định dựa vào giá các loại đất nông nghiệp tại khu vực lân cận.
+ Đất có mặt nước chuyên dùng: Sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản: áp dụng bảng giá đất nuôi trồng thủy sản.
+ Sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc kết hợp với nuôi trồng thủy sản: Mức giá đất được quy định dựa vào giá đất phi nông nghiệp tại khu vực lân cận.
+ Đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng, đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu trữ tro cốt, đất phi nông nghiệp khác: Mức giá đất được quy định dựa vào giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại khu vực lân cận.
- Quy định giá đất đối với đất chưa sử dụng:
Mức giá đất được quy định dựa vào các phương pháp định giá đất và giá của loại đất cùng mục đích sử dụng đã được giao đất, cho thuê đất tại khu vực lân cận.
- Mục đích sử dụng bảng giá đất: Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ để áp dụng trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 111 và khoản 1 Điều 160 Luật Đất đai 2024.
(3) Trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất
Bao gồm 09 bước như sau:
- Lập dự án: Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự án và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trước ngày 1/6. Trong đó, hồ sơ dự án bao gồm: Dự án, tờ trình, dự thảo Quyết định.
- Thành lập Ban chỉ đạo: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban. Thành viên bao gồm đại diện lãnh đạo các Sở, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Thành lập Tổ công tác: Trưởng Ban chỉ đạo thành lập Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn cho Tổ công tác.
- Thuê tổ chức tư vấn định giá đất: Sở Tài nguyên và Môi trường thuê tổ chức tư vấn thực hiện các công việc sau:
+ Xác định loại đất, vị trí đất, thửa đất chuẩn.
+ Thu thập thông tin về chuyển nhượng, trúng đấu giá đất.
+ Điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin giá đất thị trường.
+ Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành.
+ Xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
- Lấy ý kiến: Sở Tài nguyên và Môi trường đăng dự thảo bảng giá đất và lấy ý kiến trong 30 ngày. Hồ sơ lấy ý kiến gồm: Tờ trình, dự thảo bảng giá đất, báo cáo thuyết minh.
- Gửi thẩm định: Sở Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ bảng giá đất sau khi tiếp thu ý kiến góp ý cho Hội đồng thẩm định. Hồ sơ gửi thẩm định gồm: Tờ trình, dự thảo bảng giá đất, báo cáo thuyết minh, báo cáo tiếp thu ý kiến.
- Hoàn thiện dự thảo bảng giá đất: Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và chỉnh sửa dự thảo bảng giá đất.
- Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất. Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân gồm: Tờ trình, dự thảo bảng giá đất, báo cáo thuyết minh, báo cáo tiếp thu ý kiến, báo cáo thẩm định.
- Ban hành bảng giá đất: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân hoàn thiện bảng giá đất và ban hành, công bố vào ngày 01/01 hằng năm và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Xem và tải về Dự thảo Nghị định quy định về giá đất tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/21/3.4.-du-thao-nghi-dinh-gia-dat.doc
Xem và tải về tờ trình Dự thảo Nghị định quy định về giá đất tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/21/2.4.-dt-to-trinh-nghi-dinh-gia-dat.doc