Dự thảo Luật Tư Pháp người chưa thành niên xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trong dự thảo, các hình phạt dự kiến áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Việc xử lý các hành vi phạm tội của người chưa thành niên luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Người chưa thành niên phạm tội thường có những đặc điểm tâm lý, sinh lý khác biệt so với người trưởng thành.
Các biện pháp xử phạt cần được cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tính răn đe, vừa tạo điều kiện cho người chưa thành niên có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
Gần đây, nhiều đề xuất về các hình phạt mới đã được đưa ra nhằm cải thiện hiệu quả của hệ thống tư pháp đối với đối tượng này.
(1) Các hình phạt dự kiến áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội ở người chưa thành niên thường xuất phát từ nhiều yếu tố như môi trường gia đình, xã hội, sự thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu sự quan tâm, giáo dục từ người lớn. Việc xử lý không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, khiến họ trở thành tội phạm chuyên nghiệp.
Theo Điều 90 dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên quy định các hình phạt bao gồm:
Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đối với mỗi tội phạm:
- Cảnh cáo.
- Phạt tiền.
- Cải tạo không giam giữ.
- Tù có thời hạn.
- Trong đó, theo Điều 91 dự thảo quy định về cảnh cáo như sau:
Cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa mức miễn hình phạt.
- Hình phạt phạt tiền được quy định theo Điều 92 dự thảo:
+ Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
+ Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu người đó có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
- Theo Điều 93 dự thảo đề cập đến cải tạo không giam giữ như sau:
+ Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
+ Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
- Đối với hình phạt tù có thời hạn, mức hình phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 94 dự thảo:
+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì khung hình phạt áp dụng không quá ba phần tư mức hình phạt mà điều luật quy định.
+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 09 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì khung hình phạt áp dụng không quá một phần hai mức hình phạt mà điều luật quy định.
Bài được viết theo dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/24/du-thao-luat-chua-thanh-nien.pdf
(2) Giảm mức hình phạt đã tuyên
Theo Điều 98 dự thảo Tư pháp người chưa thành niên quy định về việc giảm mức hình phạt đã tuyên như sau:
- Người chưa thành niên phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.
- Người chưa thành niên phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
- Người chưa thành niên phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Tóm lại, đối với đối tượng là người chưa thành niên, dự thảo đề xuất các biện pháp bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn.
Bên cạnh đó, nếu người chưa thành niên có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn; lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ được xem xét giảm mức hình phạt đã tuyên.
Bài được viết theo dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/24/du-thao-luat-chua-thanh-nien.pdf