DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bộ Y tế trình Thủ tướng Chỉ thị mới về phòng, chống dịch Covid-19

Avatar

 

Dự thảo Chỉ thị mới về phòng, chống Covid-19

Dự thảo Chỉ thị mới về phòng, chống Covid-19 - Minh họa

Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn.

Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch bùng phát trên diện rộng, phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng Delta đang lây lan mạnh tại TP HCM và nhiều địa phương khác.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn dịch Covid-19 với khoảng 30.000 ca mắc, trong đó 27.895 ca ghi nhận trong nước, 9.878 người khỏi bệnh và 125 ca tử vong. Qua mỗi đợt, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan dịch bệnh đều tăng.

Giai đoạn 1 đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23-1-2020, sau đó tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới là người trở về từ TP Vũ Hán, Trung Quốc; người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu và Mỹ....

Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7-2020 (sau 99 ngày không ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng) với các trường hợp mắc mới tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ 25-1 với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác.

Giai đoạn 4, từ ngày 27-4 đến nay. Dịch bệnh bắt đầu được ghi nhận tại Đà Nẵng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái và sau đó nhanh chóng lây lan ra các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên, Vĩnh Long và nhiều địa phương khác với khoảng 27.000 người mắc Covid-19.

Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập vào một số cơ sở y tế mà còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sự kiện văn hóa, tôn giáo có tập trung đông người và các đô thị đông dân cư.

Nguyên nhân của đợt dịch thứ 4 là do biến chủng virus mới Delta có khả năng lây lan nhanh, mạnh, làm tăng bệnh nặng hơn và không chỉ lây nhiễm theo chuỗi mà còn lây rộng theo chùm, qua không khí. Dịch bệnh tại các quốc gia trong khu vực và các nước láng giềng có diễn biến phức tạp với số mắc tăng cao. Đến nay, biến chủng Delta đã ghi nhận tại trên 98 quốc gia, có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với Alpha.

Cùng đó, đợt dịch thứ 4 có nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh. Thực hiện các giải pháp bảo đảm mục tiêu kép, hàng trăm ngàn chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, hàng chục ngàn người Việt Nam ở nước ngoài đã được nhập cảnh, song việc quản lý cách ly và sau cách ly ở một vài địa phương còn sơ hở.

Các địa phương chưa có kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động ăn ở, làm việc tập trung nên bị động, lúng túng trong chống dịch thời gian đầu.

Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp.

Dự thảo chỉ thị mới về phòng chống dịch Covid-19 kế thừa các giải pháp hiệu quả của 3 chỉ thị nêu trên, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng chống dịch theo tinh thần "chống dịch như chống giặc", tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đặc biệt bảo đảm vật tư tại chỗ, sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc-xin, tập trung cho đối tượng ưu tiên, trước hết là khu vực sản xuất, kịp thời điều chỉnh đối tượng ưu tiên cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sau khi đạt miễn dịch cộng đồng thì chuyển sang tiêm chủng mở rộng.

Căn cứ diễn biến dịch, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên là phòng chống dịch hoặc phát triển kinh tế xã hội hoặc đồng thời cả hai để thực hiện cho phù hợp, hiệu quả.

Dự thảo chỉ thị mới về chống dịch Covid-19 cũng đưa ra nhiều giải pháp chống dịch. Đó là tăng cường kỷ luật chống dịch, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của cấp trên; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương có thể vận dụng linh hoạt, bổ sung các biện pháp khác phù hợp.

Thực hiện khoanh vùng nhanh nhất ở phạm vi hẹp nhất có thể, không máy móc theo địa giới hành chính; bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa, có biện pháp phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy sản ở khu vực cách ly, phong tỏa...

Trường hợp cần thiết theo diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng sẽ quyết định áp dụng giãn cách theo vùng liên tỉnh.

Các địa phương được áp dụng chỉ định thầu khi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế chống dịch; ứng dụng công nghệ để truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng; Thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo nguy cơ từng địa bàn, khu vực.

Tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược vắc-xin. Tăng cường tiếp nhận các nguồn vắc-xin để mua được nhiều vắc-xin nhất trong thời gian sớm nhất; phân bổ lượng vắc-xin hiện có phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch. Tập trung chuẩn bị tiêm dịch vụ sau khi đạt miễn dịch cộng đồng.

Các địa phương chủ động, chuẩn bị nhân lực tại chỗ, đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn tập ngay từ khi chưa có dịch.

Đối với địa bàn trong trạng thái bình thường mới chỉ áp dụng nghiêm thông điệp 5K là khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, khu nhà trọ, ký túc xá, cơ sở khám, chữa bệnh, các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế; xây dựng các phương án phòng, chống dịch khi có ca mắc tại cơ sở...

Chủ động xét nghiệm tầm soát tại các địa điểm tập trung đông người như các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở khám, chữa bệnh, các trường hợp có triệu chứng trong cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh.

Bộ Y tế cũng đề xuất nhiệm vụ, giải pháp theo mức độ nguy cơ dịch bệnh. Cụ thể:

Địa bàn có nguy cơ, bên cạnh áp dụng 5K sẽ điều tra dịch tễ trường hợp mắc bệnh để truy vết, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khu có người mắc bệnh. Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những người có nguy cơ.

Hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Đối với các sự kiện bắt buộc phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải đảm bảo đầy đủ các quy định của cơ quan y tế trên địa bàn. Lễ hiếu, hỉ, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải được các cơ quan y tế giám sát chặt chẽ và phải hạn chế tổ chức ăn uống. té

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...) được hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường...) và các cơ sở khác theo quyết định...

Những khu vực có nguy cơ cao buộc phải dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tập trung 10 người trở lên ngoài khu vực công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng;

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ khu vực có nguy cơ cao đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ vùng đang có dịch tại cộng đồng đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa;

Giảm mật độ giao thông, số lượng người trên các phương tiện giao thông công cộng. Giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở; tăng cường làm việc trực tuyến.

Điều chỉnh lịch học; trường hợp cần phải điều chỉnh vượt quá khung kế hoạch thời gian năm học thì phải thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Triển khai thiết lập cơ sở thu dùng điều trị bệnh nhân Covid-19 theo kế hoạch

Với địa bàn nguy cơ rất cao áp dụng phong tỏa, cách ly y tế tập trung, giãn cách xã hội 14 ngày. Theo đó, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn...

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; bố trí, cung cấp đầy đủ và kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu đến các khu/cụm dân cư...

N.Dung

Nguồn: Báo Người Lao Động

  •  772
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…