Mới đây, Bộ Công thương đã trình Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần thứ 3, giữ đề xuất cho thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu được tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu
>>> Bài viết dựa trên Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu cập nhật lần 3 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/12/Du%20thao.docx
>>> Xem dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới nhất
(1) Đề xuất cho doanh nghiệp được tự quyết định giá xăng dầu
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương gửi cho Bộ Tư pháp, đáng chú ý trong dự thảo lần 3 này, Bộ Công thương tiếp tục giữ nguyên đề xuất cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, tại Điều 33 Dự thảo Nghị định, Bộ Công thương đề xuất như sau:
Giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu quyết định không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Điều 34 Nghị định kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 17 Dự thảo Nghị định còn đề xuất quyền của thương nhân đầu mối kinh doanh, thương phân phối xăng dầu là: công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Điều 34 Nghị định này.
Như vậy, nếu đề xuất được thông qua, các thương nhân mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu sẽ được quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trên thị trường, tuy nhiên không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Theo Bộ Công thương, với cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện quá nhiều bước, thương nhân xăng dầu không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối mà phải trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo.
Việc đề xuất cho thương nhân, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu được tự quyết định giá bán lẻ trong hệ thống nhằm giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan quản lý nhà nước, trong khi đó vẫn đảm bảo được việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu đúng theo công thức mà Bộ Công thương quy định.
Ngoài ra, Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua xăng dầu của nhau. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.
(2) Nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu
Ngoài việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán lẻ xăng dầu, Điều 33 Dự thảo nghị định quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu còn đề xuất các quy định khác như:
- Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Điều 34 Nghị định này.
Địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là địa bàn được quy định tại khoản 1 mục III Điều 1 Quyết định số 1162/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định này (nếu có).
- Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sau khi thương nhân công bố giá bán xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.
- Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Giá, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
- Giá mua bán nhiên liệu hàng không do các thương nhân tự thỏa thuận với các đối tác theo cơ chế thị trường, không phải thực hiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này và Điều 34, 35 Dự thảo Nghị định.
Theo đó, Dự thảo Nghị định đề xuất việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu phải tuân thủ theo các nguyên tắc kể trên.
>>> Bài viết dựa trên Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu cập nhật lần 3 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/12/Du%20thao.docx