Bị xử phạt vì không đeo khẩu trang nơi công cộng - Ảnh minh họa
Các biện pháp nhằm phòng, chống ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được cơ quan chức năng gỡ bỏ, tuy nhiên thời gian gần đây ý thức chấp hành của người dân đã giảm đi rất nhiều vì tâm lý chủ quan. Sau đây là những điều cần biết khi bị xử phạt hành chính về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Quy định xử phạt
Trước hết, cần biết tại Công văn 2601/VPCP-KGVX, các biện pháp như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, không tụ tập đông người là những biện pháp nhằm phòng, chống Covid-19.
Nghị định 117 đã có hiệu lực thi hành đối với một số Điều, khoản, trong đó quy định tại Điều 12:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
…”
So với quy định xử phạt cũ về hành vi này tại Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mức phạt này đã tăng gấp 10 lần và được áp dụng thi hành ngay từ 28/9/2020.
Người bị xử phạt cần biết
1. Thẩm quyền xử phạt:
Thẩm quyền xử phạt với mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng trong lĩnh vực y tế dự phòng căn cứ theo Chương III của Nghị định 117 bao gồm một số chức vụ như:
- Chủ tịch UBND cấp xã trở lên theo chức vụ
- Chánh thanh tra cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trở lên theo chức vụ
- Đội trưởng đội công an, trưởng công an cấp xã trở lên theo chức vụ
…
2. Hình thức xử phạt, nộp phạt theo Luật xử lý vi phạm hành chính:
Căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- Đối với những hình thức xử phạt hành chính có mức phạt từ 250.000 trở lên với cá nhân và 500.000 với tổ chức, người xử phạt bắt buộc phải lập thành biên bản. (Điều 56, 57)
- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được ra trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc ngày ghi trên Quyết định. (Điều 66, 67)
- Nơi nộp tiền phạt được ghi trong Quyết định xử phạt. (Điều 68)
3. Thủ tục nộp phạt
- Thời hạn thi hành quyết định xử phạt là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, nếu trong Quyết định quy định thời hạn khác thì thực hiện theo thời hạn đó.
Thủ tục nộp phạt hành trong lĩnh vực y tế tương tự như đối với các loại xử phạt hành chính khác (xử phạt giao thông, an ninh trật tự, ..), xem chi tiết ở đường dẫn bên dưới.
>> Thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông và chế tài xử lý nếu không nộp
Riêng đối với vi phạm không đeo khẩu trang, người dân sẽ không bị giữ các giấy tờ tùy thân.