Trong thực tế cuộc sống sẽ luôn tồn tại những giao dịch mua bán mà người mua trong cùng một thời điểm không thể thanh toán toàn bộ tiền tài sản cho bên bán, vậy nên các bên thỏa thuận với nhau về việc mua trả chậm, chia ra nhiều lần để trả.
Để đảm bảo bên mua sẽ trả đủ tiền cho bên bán sau khi nhận tài sản, pháp luật đã đưa ra quy định về Bảo lưu quyền sở hữu tại điều 331 Bộ luật dân sự 2015.
Vậy Bảo lưu quyền sở hữu tài sản là gì? Sẽ được áp dụng khi nào mà có thể buộc bên mua phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán?
Bảo lưu quyền tài sản khi bên mua nợ tiền - Minh họa
Điều 453 Bộ luật dân sự đã quy định về việc bảo lưu quyền sở hữu của bên bán trong những giao dịch mà các bên trong quan hệ mua bán trả chậm. Cụ thể như sau:
“Điều 453. Mua trả chậm, trả dần
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, bên mua sau khi nhận tài sản, có thể trả góp tiền mua nhiều lần nếu như đạt được sự thỏa thuận với bên bán.
Thế nhưng để đảm bảo quyền được thanh toán đầy đủ của bên bán, pháp luật đã được ra quy định về quyền bảo lưu tài sản. Nói một cách đơn giản, bảo lưu quyền sở hữu có nghĩa là trước khi bên mua thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền với bên bán, tài sản vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu và định đoạt của bên bán, dù có đang nằm trong tay bên mua căn cứ vào Điều 331 Bộ luật dân sự 2015
Về hình thức
Việc hai bên thỏa thuận về hình thức thanh toán chậm sẽ không đương nhiên hình thành quyền bảo lưu tài sản. Để đảm bảo quyền lợi của chính mình, bên bán phải thỏa thuận với bên mua về việc xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu và tiến hành đăng ký biện pháp này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền,
Căn cứ Điều 9,Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định về thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm
- Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: Thẩm quyền sẽ thuộc về thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường
- Trường hợp tài sản là động sản hoặc tài sản khác: Thẩm quyền thuộc về Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp
Lưu ý: Quyền bảo lưu tài sản này phải được lập thành văn bản cứ khoản 2 điều 453 Bộ luật dân sự 2015.
Quyền và nghĩa vụ của các bên khi thỏa thuận quyền Bảo lưu tài sản
Bên bán tài sản (Điều 322 Bộ luật dân sự 2015)
- Bên bán có quyền đòi lại tài sản nếu bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán
- Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi đã trừ giá trị hao mòn
- Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Bên mua tài sản ( Điều 333 Bộ luật dân sự 2015)
- Bên mua có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.
- Ngoài ra, bên mua có nghĩa vụ phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Từ đó có thể thấy rằng, quyền bảo lưu tài sản sẽ đảm bảo cho bên mua phải thanh toán đủ số tiền còn nợ cho bên bán, vì nếu không, bên bán có quyền đòi lại tài sản của mình, bởi bản chất tài sản vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Theo các quy định đã nêu trên, có thể suy ra quyền bảo lưu tài sản này sẽ chỉ chấm dứt trong trường hợp bên mua đã trả đủ tiền, hoặc bên bán đã nhận lại tài sản bảo lưu, hoặc tuân theo sự thỏa thuận giữa các bên nếu các bên có thỏa thuận mới.