Vấn đề áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các hành vi xâm phạm Sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật chung về dân sự và tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, các đối tượng SHTT là những tài sản rất đặc biệt, mang những đặc trưng riêng so với các loại tài sản thông thường bởi những đặc điểm như tính chất vô hình, kéo theo vai trò của các nội dung quyền sở hữu bao gồm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt có ý nghĩa khác nhau, bên cạnh đó là vấn đề thời hạn bảo hộ cho các đối tượng này cũng được quy định hoàn toàn khác với những tài sản thông thường.
Do vậy, trong quá trình giải quyết các tranh chấp SHTT không thể không xem xét đến những đặc điểm này của đối tượng quyền SHTT:
Thứ nhất, Bảo hộ quyền SHTT là bảo hộ có thời hạn
Không giống như các tài sản thông thường, tài sản trí tuệ được nhà nước và pháp luật bảo hộ theo những thời hạn nhất định mà trong thời hạn này, quyền của chủ thể được bảo hộ tuyệt đối.
Thời hạn bảo hộ quyền SHTT được xác định căn cứ vào thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ tại Điều 93 Luật SHTT đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, Điều 27 đối với đối tượng quyền tác giả và Điều 34 đối với đối tượng quyền liên quan.
Thời hạn bảo hộ được tính toán phù hợp sao cho trong khoảng thời gian này, chủ thể sáng tạo/chủ sở hữu quyền đã nhận lại được những lợi ích từ hoạt động lao động sáng tạo đó, được bù đắp chi phí về vật chất, trí tuệ, được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác thành quả của mình. Hết thời hạn bảo hộ, các tài sản trí tuệ trở thành tài sản chung của nhân loại được phục vụ rộng rãi cho cộng đồng.
Về nguyên tắc, khi đối tượng SHTT còn đang trong thời hạn bảo hộ thì chủ sở hữu có quyền sử dụng độc quyền đối tượng đó và ngăn không cho những chủ thể khác xâm phạm đến đối tượng đã được bảo hộ của mình, trừ các trường hợp ngoại lệ do luật định (Điều 25, 26, 32, 33, 133, 145, 146 Luật SHTT).
Mặt khác, trên thực tế đã có trường hợp bên A bị xâm phạm quyền SHTT (vẫn đang được bảo hộ) nhưng lại không bị xử lý vì hết thời hiệu khởi kiện. Quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ đã không được bảo hộ một cách trọn vẹn đúng như ý nghĩa của quy định về thời hạn bảo hộ. Thiết nghĩ, nếu pháp luật đã quy định về thời hạn bảo hộ cho các đối tượng SHTT thì vấn đề thời hiệu khởi kiện liên quan cũng cần được quy định phù hợp.
Thứ hai, Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình
Đối với tài sản thông thường, chủ sở hữu sẽ có 03 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt.
Trong khi đó quyền chiếm hữu trong SHTT lại rất mờ nhạt và gần như không tồn tại, bởi chúng ta không thể nắm bắt, chiếm hữu ý tưởng, kiến thức được, ngoại trừ một số trường hợp liên quan đến bí mật kinh doanh, các công thức, danh sách… Khi một đối tượng SHTT thuộc quyền sở hữu của một chủ thể nhất định, hành vi trực tiếp khai thác giá trị lợi ích, thể hiện rõ nhất quyền sở hữu chính là hành vi sử dụng độc quyền đối tượng đó. Tuy nhiên SHTT đặc biệt ở chỗ những chủ thể khác khi thực hiện hành vi xâm phạm không nhất thiết phải “chiếm hữu riêng” đối tượng SHTT cho mình. Điều này có nghĩa là ngay cả khi chủ sở hữu đang thực hiện hành vi sử dụng đối tượng thì chủ thể vi phạm vẫn thực hiện hành vi xâm phạm của mình và sự vi phạm này là vi phạm về tính “độc quyền” mà chủ thể có quyền được pháp luật ghi nhận. Với cách quy định tại Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP và sau này là Nghị quyết 03/2012/ NQ-HĐTP, các tranh chấp dân sự không áp dụng thời hiệu khởi kiện có bao gồm trường hợp “Tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó”. Và vì xâm phạm SHTT không nhất thiết phải nắm giữ đối tượng đó, nên nếu có một bên B nào đó đang sử dụng đối tượng SHTT đang được bảo hộ của bên C, thì bên C có được Tòa bảo vệ?
Lý luận theo quy định này, một khi có chủ thể khác không phải là chủ sở hữu đang quản lý, chiếm hữu tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nghĩa là chừng nào mà chủ thể vi phạm còn có hành vi chiếm giữ bất hợp pháp (hành vi xâm phạm) thì chủ thể bị vi phạm vẫn có thể khởi kiện mà không cần xem xét đến thời hiệu khởi kiện. Áp dụng như thế này có vẻ hợp lý hơn cho các đối tượng SHTT, vì như đã nói ở trên, bảo hộ SHTT là bảo hộ có thời hạn và trong thời hạn này sự bảo hộ nên là tuyệt đối. Tất nhiên, việc bảo hộ sẽ chấm dứt khi hết thời hạn bảo hộ và sau thời hạn này các quyền tài sản của chủ sở hữu sẽ chấm dứt theo quy định.
Tóm lại, với những đặc trưng riêng có của mình, các đối tượng quyền SHTT đòi hỏi sự xem xét một cách đặc biệt hơn, phù hợp hơn khi áp dụng. Để giải quyết vấn đề này, nên chăng có thêm quy định riêng biệt về thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực SHTT, chẳng hạn như quy định thời hiệu khởi kiện về quyền SHTT theo “thời hạn bảo hộ” đối với các đối tượng quyền SHTT có quy định thời hạn bảo hộ (như quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, nhãn hiệu thông thường, kiểu dáng công nghiệp…); còn đối với các đối tượng quyền SHTT không quy định thời hạn bảo hộ (như nhãn hiệu nổi tiếng, bí mật kinh doanh, tên thường mại…) thì theo hướng “không áp dụng thời hiệu khởi kiện”.