Theo quy định của bộ luật hình sự 2015 thì hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích dộng mạnh được quy định tại Điều 125 như sau;
Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Trong khi đó nếu không phải giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà giết người trong tình huống bình thường thì sẽ bị xử theo:
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Có thể thấy rằng hình phạt dành cho tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và trong trạng thái bình thường có mức hình phạt cách nhau rất lớn. Người phạm tội khi tinh thần bị kích động mạnh sẽ chỉ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong khi đó bình thường thấp nhất sẽ là 7 đến 15 năm. Những quy định đó thể hiện pháp luật đẫ có sự quan tâm đúng mức tới các tình huống xảy ra khác nhau khi có tội phạm, những trường hợp phạm tội khác nhau.
Vấn đề ở đây là việc xác định như thế nào là tinh thần bị kích động mạnh là rất phức tạp, Chưa có các văn bản hướng dẫn thực sự rõ ràng. Thường sẽ xét trên một số tiêu chí như:
Trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động. Phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác. Hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần. Hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác phải là hành vi đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích hoặc hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội.
Dựa trên các tiêu chí trên cho tới việc xếp tội phạm vào khung tội nào cũng là cả một vấn đề. Quy định pháp luật chưa thực sự rõ ràng, nên đó chính là lỗ hổng để các thẩm phán, gia đình tội phạm chạy tội để lách luật từ tội giết người thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Theo tôi nên có một hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Để tránh việc lách luật, rồi thì ai cũng phạm tội trong tinh thần bị kích động mạnh. Và rõ ràng thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động. Nhưng giữa kích động và kích động mạnh là khác nhau. Mấy anh đang nhậu với nhau thì chỉ cần nói một câu là cũng làm anh ta bị kích động rồi, chưa kể tính tình người việt nóng nảy, hễ cái là lại xô xát, đánh nhau. Vậy thì cần có quy định nghiêm minh hơn để tránh những đối tượng chạy tội, cứ giết người xong lại chạy chọt để làm sao mình được coi là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Và để cho việc quy định tội danh này được áp dụng cho đúng người, trong từng tình huống, hoàn cảnh.