Không ít các trường hợp khi người chồng đã mất thì tình cảm giữa người vợ và gia đình bên chồng trở nên lạnh nhạt. Chồng mất đã là một mất mát to lớn đối với người vợ nhưng việc chia tài của người chồng sau đó cũng là một vấn đề nan giải.
Trong trường hợp người chồng đã mất thì gia đình nhà chồng đòi chia thừa kế đối với số di sản để lại thì có được hay không?
1. Ba mẹ chồng được hưởng thừa kế đối với loại tài sản nào?
Theo khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định có tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Căn cứ quy định nêu trên, số tiền, vàng, đất đai, nhà cửa của vợ chồng có được sau khi đăng ký kết hôn là tài sản chung của vợ chồng bạn và khi chia thừa kế sẽ được xác định từ tài sản chung.
2. Tài sản là vàng cưới thì ba mẹ có quyền đòi lại?
Vàng cưới được xem là sính lễ cưới không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi tại Việt Nam, nó là loại tài sản kim thí quý có giá trị cao. Vàng được cho gia đình 2 bên cho vợ chồng vào ngày cưới của họ trước sự chứng kiến của những người có mặt tại buổi lễ.
Tiền mừng cưới, vàng và các sính lễ có giá trị khác mà không phải là bất động sản được cho vợ chồng vào ngày cưới thuộc Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 khi đây được xem là hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Do đó, căn cứ quy định trên thì ba mẹ nhà chồng không còn quyền sở hữu đối với số tài sản đó và tất nhiên sẽ không có quyền đòi lại số tiền, vàng mà người vợ được cho vào ngày cưới.
3. Tài sản là bất động sản sẽ chia ra sao?
Riêng đối với nhà ở, đất đai gọi chung là bất động sản sẽ là loại tài sản rất dễ xảy ra tranh chấp vì giá trị lớn mà bất động sản đem lại. Nếu xét theo hoàn cảnh giao dịch thì vẫn tương tự như các loại tài sản là động sản khác.
Tuy nhiên, đây cũng là loại tài sản đặc biệt nên phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trong trường hợp này thì hai bên phải thực hiện công chứng hợp đồng tặng cho thì mới được xem là thuộc quyền sở hữu bất động sản về bên vợ chồng theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Qua đó, có thể thấy nếu gia đình nhà chồng dù có cho tặng trước sự chứng kiến của họ hàng thì tài sản là bất động sản tặng cho không công chứng mà vẫn để tên người sở hữu là gia đình nhà chồng thì rất khó cho người vợ.
Trường hợp nếu đã thực hiện các thủ tục pháp lý đầy đủ về hợp đồng tặng cho vợ chồng sở hữu chung thì khi người chồng mất, số tài sản này vẫn sẽ được chia 2. Theo đó, ba mẹ nhà chồng có quyền đòi phân chia tài sản thừa kế thuộc quyền sở hữu của người chồng.
Như vậy, nếu ba mẹ chồng chỉ sang tên cho chồng bạn và chồng bạn không để lại di chúc thì căn nhà trên được chia đều cho ba chồng, mẹ chồng, bạn, các con bạn, mỗi người phần bằng nhau.
Trong trường hợp ba mẹ chồng bạn chỉ nói cho và chưa thực hiện công chứng, sang tên cho vợ chồng bạn thì ba mẹ chồng bạn vẫn có quyền quyết định đối với bất động sản.