DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

07 quyền lợi khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7

Avatar

 

Trường hợp đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% được thông qua thì người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

(1) Trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động gửi Chính phủ.

Theo đó, tại Dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 01/7/2024 (như phương án Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ tại Báo cáo 02/BC-HĐTLQG ngày 12/2/2024). Cụ thể mức lương tối thiểu theo tháng như sau:

- Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng.

- Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng.

- Vùng III là 3.860.000 đồng/tháng.

- Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng.

Theo đó mức lương tối thiểu theo giờ tại các vùng như sau:

- Vùng I: 23.800 đồng/giờ.

- Vùng II: 21.200 đồng/giờ.

- Vùng III: 18.600 đồng/giờ.

- Vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu nêu trên được tính dựa trên cơ sở các yếu tố thực tế theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, bao gồm: 

- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

- Nhóm yếu tố về kinh tế, thị trường lao động (tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá cả tiêu dùng, tình hình lao động, việc làm).

- Nhóm yếu tố về mức lương trên thị trường và khả năng của doanh nghiệp (tiền lương, thu nhập bình quân của người lao động, tình hình phát triển của doanh nghiệp và xu hướng kinh doanh, sản xuất, đơn đặt hàng).

(2) 07 quyền lợi khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7

Cụ thể, khi đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% chính thức được thông qua, người lao động sẽ được 07 lợi thế như sau:

Tăng tiền lương hằng tháng:

Tại Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019 có nêu rõ, tiền lương được trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. 

Trong đó, mức lương theo công việc/chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu, còn phụ cấp lương và khoản bổ sung khác là những khoản tiền không bắt buộc. 

Vì lẽ đó, mức lương thấp nhất phải trả cho người lao động sẽ phải bằng lương tối thiểu vùng.

Tăng tiền lương khi phải ngừng việc:

Cụ thể, tại Điều 99 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định trường hợp do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

- Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

- Phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo đó, trường hợp phải ngừng việc do lỗi của người lao động khác hoặc phải dừng bởi các yếu tố khách quan như sự cố điện nước, thiên tai, hỏa hoạn,... thì người lao động sẽ được trả lương trong thời gian ngừng việc.

Mà việc ngừng việc do lỗi của người lao động khác thì được nhận lương ít nhất bằng lương tối thiểu vùng. Còn ngừng việc do sự cố điện, nước, thiên tai,…thì trong 14 ngày đầu được nhận lương ít bằng lương tối thiểu vùng. Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương ngừng việc tối thiểu trả cho người lao động cũng vì lẽ đó mà tăng theo.

Tăng lương tối thiểu khi điều chuyển việc:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Bộ Luật Lao động 2019 thì người lao động khi chuyển sang làm một công việc khác so với HĐLĐ thì được trả lương theo công việc mới. 

Trường hợp tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn là 30 ngày làm việc. Ngoài ra, tiền lương theo công việc mới phải ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo đó, khi được chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng ban đầu thì người lao động sẽ được trả theo lương mới và tiền lương theo công việc mới không thấp hơn mức lương tối thiểu. Đồng nghĩa với việc tăng lương tối thiểu vùng thì tiền lương tối thiểu trả cho người lao động bị điều chuyển công việc cũng phải điều chỉnh tăng thêm.

Tăng mức đóng BHXH

Tại Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH có quy định mức đóng BHXH hàng tháng sẽ được căn cứ vào mức lương tháng đóng BHXH. 

Đồng thời, tại Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH cũng có nêu rõ: Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Trường hợp làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. 

Trường hợp làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%. Còn công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường. 

Như vậy, lương tối thiểu vùng tăng cũng sẽ là cơ sở để buộc các doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Cũng chính nhờ việc tăng mức đóng BHXH mà mức hưởng các chế độ BHXH cũng sẽ tăng theo.

Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Tại Khoản 2 Điều 15 Quyết định 595/QĐ-BHXH có quy định người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN sẽ là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. 

Trường hợp mức tiền lương tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

Có thể thấy, tương tự như việc đóng BHXH bắt buộc, mức đóng BHTN cũng phụ thuộc vào tiền lương tháng để làm căn cứ đóng BHXH. 

Theo đó, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương tháng đóng BHXH tối thiểu sẽ tăng. Kéo theo đó là mức đóng BHTN tối thiểu cũng tăng. Từ đó, góp phần làm cho mức hưởng BHTN của người lao động sau này tăng theo.

Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.

Đối với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 có nêu rõ mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019 đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.

Có thể thấy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động được nhận hằng tháng sẽ không vượt quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, trường hợp lương tối thiểu vùng được tăng thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo.

Gây thiệt hại lớn hơn mới phải bồi thường

Tại Khoản 1 Điều 129 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định về bồi thường thiệt hại như sau:

Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định pháp luật hoặc nội quy lao động.

Trường hợp gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 102 Bộ Luật Lao động 2019.

Theo đó, điều này đồng nghĩa với việc khi lương tối thiểu vùng tăng thì giá trị tài sản thiệt hại phải lớn hơn thì người lao động mới phải bồi thường.

  •  280
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…