1. Các loại giấy tờ cần chuẩn bị
Khi đăng ký kết hôn, cơ quan nhà nước yêu cầu bắt buộc phải xuất trình Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị các loại giấy tờ khác: Chứng minh nhân dân; Sổ hộ khẩu thường trú; Tờ khai đăng ký kết hôn.
2. Những điều kiện cần đảm bảo khi kết hôn
Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Nam phải đủ 20 tuổi, nữ phải đủ 18 tuổi.
Khi có đầy đủ các loại giấy tờ, việc đăng ký kết hôn sẽ được thực hịện tại Ủy ban nhân dân xã nơi một trong hai người có đăng ký thường trú. Sau khi nhận được Giấy chứng nhận kết hôn, thì về mặt pháp lý đã chính thức là vợ chồng.
3. Vợ chửi chồng có thể bị phạt tiền đến 01 triệu đồng
Trong đời sống hôn nhân, lời qua tiếng lại là bình thường nhưng nếu mở miệng chửi nhau thì hãy coi chừng. Vì theo khoản 1 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (mà cụ thể là vợ chồng với nhau) có thể bị phạt tiền đến 01 triệu đồng.
4. "Kiểm soát chặt" tiền của chồng có thể bị phạt đến 500 nghìn đồng
Khoản 1 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.
5. Ngoại tình, nhẹ bị phạt tiền, nặng có thể ngồi tù
Về hành chính, điểm b khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định: phạt tiền đến 3 triệu đồng đối với hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
Về hình sự, nếu việc ngoại tình dẫn đến mức ly hôn thì có thể ngồi tù 01 năm (theo khoản 1 Điều 182 BLHS 2015).
6. Khi ly hôn, tài sản có thể bị chia đôi
Đây là nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng có thể sẽ chia đôi khi ly hôn.
Tóm lại, hôn nhân là chuyện trọng đại của một đời người, do vậy việc tìm hiểu kỹ càng trước khi đăng ký kết hôn rất quan trọng, giúp tránh khỏi những phiền phức không đáng có và từ đó có một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn.