DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

06 nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới

Avatar

 
Ngày 21/9/2023 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 149/NQ-CP năm 2023 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
 
06-nhiem-vu-trong-tam-dam-bao-tra-tu-an-toan-giao-thong-trong-tinh-hinh-moi
 
Cụ thể, nhằm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW năm 2023 Chính phủ ban hành 06 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới như sau:
 
(1) Thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
 
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:
 
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông và được xác định rõ trong chương trình công tác hằng năm và dài hạn của các bộ, ngành, địa phương.
 
- Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra, xử lý nghiêm minh; đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
 
- Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
 
- Thay đổi tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
 
(2) Phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông 
 
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông:
 
- Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
 
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông.
 
(3)  Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ về an toàn giao thông
 
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:
 
- Đa dạng hoá nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học, nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức của người tham gia giao thông, quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, đoàn thể giáo dục cho thanh, thiếu nhi ý thức chấp hành pháp luật và hành vi văn hoá trong tham gia giao thông.
 
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
 
(4) Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
 
Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông:
 
- Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
 
- Lồng ghép nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt. 
 
- Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. 
 
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, hệ thống đường cao tốc, tàu cao tốc. 
 
- Kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không để giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
 
- Đầu tư nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhất là mạng lưới quốc lộ tại khu vực miền núi Trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
 
- Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Hiện đại hoá trung tâm giám sát, điều hành giao thông, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Cải cách thủ tục hành chính và đổi mới mạnh mẽ phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông.
 
- Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là những nước phát triển, những nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển, quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
 
(5) Hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn
 
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:
 
- Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông. Quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông; nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với biển số phương tiện giao thông.
 
- Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và "điểm đen" trên các tuyến giao thông. 
 
- Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ trung ương đến địa phương theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Thường xuyên đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
 
- Quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng chuyên trách, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
 
(6) Hà Nội và TPHCM cần điều chỉnh giờ làm việc, học tập của người dân tránh ùn tắc giao thông
 
Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh:
 
- Thực hiện nghiêm, bảo đảm tiến độ quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông vận tải.
 
- Quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao, giao thông kết nối và lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch. 
 
- Tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của người dân. 
 
- Tăng cường quản lý trật tự đô thị; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông, có giải pháp sắp xếp giờ làm việc, học tập, kinh doanh phù hợp, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
 
Xem thêm Nghị quyết 149/NQ-CP năm 2023 có hiệu lực từ ngày 21/9/2023.
  •  676
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…