DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

06 hành vi bị nghiêm cấm tại Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính

Avatar

 

Ngày 15/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2449/QĐ-BTC để công bố Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính.

(1) Phạm vi điều chỉnh Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tài chính

Theo quy định tại Điều 1 Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính (sau đây gọi là Quy chế) được ban hành kèm theo Quyết định 2449/QĐ-BTC, Quy chế này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ, quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức, người lao động và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính.

Đối tượng áp dụng của Quy chế bao gồm:

- Các Cục, Vụ thuộc Bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; cơ quan chuyên trách của Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ; các Ban quản lý dự án của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập (sau đây trong phạm vi Quy chế này gọi tắt là các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính).

- Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Viện Chiến lược và Chính sách tài chính; Nhà xuất bản Tài chính; Tạp chí Tài chính; Thời báo Tài chính; Học viện Tài chính; Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính; Trường Đại học Tài chính - Kế toán; Trường Đại học Tài chính - Marketing; Trường Đại học Tài chính - Quản trị Marketing; Nhà nghỉ Bộ Tài chính (sau đây trong phạm vi Quy chế này gọi tắt là các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính).

- Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam; Công ty Xổ số điện toán Việt Nam; Sở giao Chứng khoán Việt Nam; Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (sau đây trong phạm vi Quy chế này gọi tắt là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính).

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tài chính.

Theo đó, thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính được định nghĩa là những phương thức phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

(2) 06 hành vi bị nghiêm cấm tại Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tài chính

Tại Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2449/QĐ-BTC có nêu rõ 06 hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ tại Bộ Tài chính như sau:

1- Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa, trù dập cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2- Bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3- Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

4- Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

5- Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

6- Lợi dụng không gian mạng, lợi dụng việc thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác.

Có thể thấy, các hành vi này không chỉ vi phạm quy định Quy chế của Bộ Tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường làm việc, sự an toàn và quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, cũng như sự ổn định của xã hội.

Để thực hiện tốt dân chủ tại cơ sở, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong việc giám sát và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.

Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng phải tự nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo môi trường làm việc minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.

  •  90
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…