03 Lưu ý khi ký hợp đồng thương mại - ảnh minh họa
Hợp đồng thương mại là loại hợp đồng phổ biến, có ý nghĩa đặc biệt đối với doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay việc ký kết loại hợp đồng này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường hiểu biết hạn chế về quy định của pháp luật giao kết hợp đồng, nhưng lại chủ quan cho rằng tranh chấp sẽ không xảy ra. Hãy cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm hữu ích để cải thiện vấn đề này nhé.
1. Soạn Dự thảo hợp đồng thương mại
Soạn Dự Thảo hợp đồng giúp cho doanh nghiệp chi tiết hóa những gì mình muốn, đồng thời dự liệu những gì đối tác muốn trước khi đàm phán. Nó được coi là bản kế hoạch cho việc đàm phán. Khi có một dự thảo tốt coi như đã đạt 50% công việc đàm phán và ký kết hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp bỏ qua bước soạn dự thảo này, đàm phán xong, sau đó mới soạn thảo hợp đồng nên thường có nhiều sơ hở, rủi ro trong hợp đồng, đặc biệt đối với những hợp đồng lớn.
2. Những điều khoản cần cẩn trọng trong soạn thảo, đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng thương mại
Điều khoản bắt buộc
Là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng không thể giao kết được.
Nói cách khác, nội dung của các điều khoản bắt buộc chính là cốt lõi các nội dung mà hai bên đã thỏa thuận và thống nhất. Nếu không có các điều khoản bắt buộc này, hợp đồng không đầy đủ nội dung sẽ dẫn đến vô hiệu.
Ví dụ: Đối với một hợp đồng mua bán hàng hóa thì các điều khoản bắt buộc phải có như: Điều khoản về đối tượng hợp đồng, số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán
Điều khoản thường lệ
Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thoả thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thoả thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định.
Ví dụ: Địa điểm giao kết hợp đồng thì do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Ở đây nếu các bên không thỏa thuận địa điểm giao kết hợp đồng thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật.
Điều khoản Hiệu lực hợp đồng
- Hợp đồng bằng văn bản đương nhiên có hiệu lực kể từ thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
- Trừ một số loại hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng chuyển giao công nghệ…), các bên cần hết sức lưu ý điều này bởi vì hợp đồng có hiệu lực thì phát sinh trách nhiệm pháp lý, ràng buộc các bên phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.
- Người ký HĐ phải có thẩm quyền ký hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền hợp lệ. Thông thường đối với doanh nghiệp thì người đại diện được xác định rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư. Cùng với chữ ký của người đại diện còn phải có đóng dấu (pháp nhân) của tổ chức, doanh nghiệp đó.
Điều khoản phạt vi phạm hợp đồng
Phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài đối với các bên khi có hành vi vi phạm, tuy nhiên pháp luật thương mại có sự giới hạn tỉ lệ phạt vi phạm là 8% giá trị phần nghĩa vụ vi phạm. Điều này rất nhiều thương nhân nhầm lẫn về con số này là 8% giá trị hợp đồng.
Điều khoản Giải quyết tranh chấp
- Đối với việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay tại Toà án thì thoả thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:
+ Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân khi có tranh chấp thì do Toà án có thẩm quyền giải quyết. Các bên không thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết.
+ Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân với thương nhân khi có tranh chấp thì các bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tại Trọng tài hoặc tại Toà án. Nếu có sự tham gia của thương nhân nước ngoài thì các bên còn có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài của Việt Nam hoặc lựa chọn một tổ chức Trọng tài của nước ngoài để giải quyết.
=== >> Khi các bên lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thoả thuận phải nêu một tổ chức Trọng tài cụ thể. Nếu chỉ thoả thuận chung chung là: “trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài” thì thỏa thuận này vô hiệu.
- Đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế: Cần lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp là luật của bên mua hay là luật của bên bán hay là luật quốc tế. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Nhằm tránh rủi ro vì thiếu hiểu biết luật pháp của nước ngoài hay pháp luật quốc tế, thương nhân Việt Nam nên chọn luật Việt Nam để áp dụng cho việc thực hiện và giải quyết tranh chấp HĐTM.
3. Trong quá trình thực hiện hợp đồng
- Trong quá trình thực hiện HĐTM phải theo dõi, ghi nhận, khi có dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng thu thập chứng cứ để chứng minh.
- Thông báo kịp thời bằng văn bản khi bị vi phạm, nêu yêu cầu, biện pháp, khắc phục hoặc ngăn chặn.
- Không nên coi chế tài để làm khó nhau, mà là biện pháp đảm bảo thực hiện đúng HĐTM, và hướng giải quyết khi xảy ra vi phạm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Các bạn hãy cùng đóng góp, chia sẽ những kinh nghiệm quý báo để tháo gỡ nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng thương mại nhé.
Xem thêm: