DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quy định pháp luật về tuyên bố một người là đã chết và hủy bỏ quyết định tuyên bố chết (Phần 1)?

Avatar

 

Việc tuyên bố một người bị chết được thực hiện trong những trường hợp nào? Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được xử lý ra sao?

Các trường hợp ra quyết định tuyên bố một người là đã chết?

Theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015.

Lưu ý: Căn cứ vào các trường hợp trên, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Cụ thể, thủ tục giải quyết này sẽ được thực hiện theo các quy định từ Điều 391 đến Điều 395 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Cụ thể, theo quy định tại Điều 393 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Quyết định tuyên bố một người là đã chết được ghi nhận như sau: “Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Xử lý quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết?

Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

- Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

- Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Riêng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, việc giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được xử lý theo quy định tại Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

- Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

- Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

- Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

- Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định trên, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

  •  111
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…