DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phụ cấp giáo viên được tính theo năm làm việc hay năm đóng BHXH?

Avatar

 

Phụ cấp thâm niên của giáo viên được tính dựa trên số năm làm việc thực tế hay chỉ dựa trên số năm đóng bảo hiểm xã hội? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

>>> Xem thêm: Thời gian đóng BHXH trước khi làm giáo viên được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên không?

(1) Phụ cấp giáo viên được tính theo năm làm việc hay năm đóng BHXH?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 77/2024/NĐ-CP, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Chiếu theo quy định trên, mức hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo tăng lên theo thời gian đóng BHXH bắt buộc.

Như vậy, phụ cấp giáo viên được tính năm đóng BHXH bắt buộc, không phụ thuộc vào số năm làm việc.

Ví dụ: Ông A trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục vào tháng 12/2019. Như vậy, khi được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp cấp học, nếu ông A có đủ thời gian 60 tháng (5 năm) đóng BHXH bắt buộc thì ông được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Việc tính phụ cấp dựa trên thời gian đóng BHXH sẽ giúp giáo viên bảo vệ quyền lợi và đảm bảo rằng thời gian đã đóng góp của mình được công nhận, ngay cả khi họ thay đổi nơi làm việc.

Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải mọi thời gian tham gia BHXH bắt buộc đều được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Chỉ những khoảng thời gian đóng BHXH bắt buộc trong quá trình giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập, hoặc làm việc trong các ngạch, chức danh chuyên ngành như hải quan, tòa án,thanh tra,...v.v thì mới đủ điều kiện được tính là thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

(2) Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên

Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 77/2024/NĐ-CP, cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng được quy định như sau:

Mức tiền phụ cấp thâm niên

=

Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng

x

Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ

x

Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng

Như vậy, mức % phụ cấp thâm niên là một thành tố quan trọng trong việc tính mức phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Như đã đề cập ở mục (1), mức % phụ cấp thâm niên của giáo viên khi có đủ 05 năm (60 tháng) đóng BHXH bắt buộc là 5%, từ năm thứ 06 trở đi, cứ đủ 01 năm (12 tháng) đóng BHXH bắt buộc sẽ tăng thêm 1%.

Do đó, giáo viên có thời gian tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc càng dài thì mức hưởng phụ cấp thâm niên sẽ càng tăng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

>>> Xem thêm: Thời gian đóng BHXH trước khi làm giáo viên được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên không?

(3) Giáo viên theo hợp đồng được hưởng phụ cấp thâm niên không?

Liên quan đến vấn đề này, Điều 2 Nghị định 77/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Nghị định 77/2024/NĐ-CP áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, bao gồm:

- Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

- Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.

Lưu ý: Các đối tượng không thuộc các quy định trên này mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Bên cạnh đó, theo Điều 2 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được quy định như sau:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy, pháp luật quy định đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên là viên chức chuyên ngành giáo dục làm việc theo hợp đồng làm việc thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp là giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động thì không phải là viên chức.

Do đó, giáo viên làm việc theo hợp đồng không thuộc đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

 

>>> Xem thêm: Thời gian đóng BHXH trước khi làm giáo viên được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên không?

  •  24
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…