Hiện nay, có những dấu hiệu nào để nhận biết lâm sàng bệnh sởi? Nguyên tắc điều trị bệnh sởi như thế nào? Phòng, chống bệnh sởi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Những dấu hiệu nhận biết bệnh sởi gồm những gì?
Tại mục II Quyết định 1327/QĐ-BYT có hướng dẫn những dấu hiệu nhận biết lâm sàng bệnh sởi như sau:
Thể điển hình:
- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 07 đến 21 ngày (trung bình 10 ngày).
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 02 đến 04 ngày.
Người bệnh tại giai đoạn này sẽ sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5 đến 01 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài từ 01 đến 02 tuần sau khi hết ban.
Thể không điển hình:
- Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này thường sẽ dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
- Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.
(2) Khi điều trị bệnh sởi cần tuân thủ những nguyên tắc nào?
Cụ thể, tại mục III Quyết định 1327/QĐ-BYT có nêu rõ về nguyên tắc điều trị đối với bệnh sởi như sau:
- Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ
- Người bệnh mắc sởi cần được cách ly.
- Phát hiện và điều trị sớm biến chứng.
- Không sử dụng corticoid khi chưa loại trừ sởi.
Theo đó, hiện nay, khi điều trị bệnh sởi cần tuân thủ theo 04 nguyên tắc cơ bản nêu trên. Ngoài ra, khi điều trị hỗ trợ hoặc điều trị các biến chứng cũng cần tuân thủ theo nguyên tắc được quy định tại Quyết định 1327/QĐ-BYT.
(3) Các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi
Hiện nay, việc tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella).
Theo đó, theo Thông tư 10/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 thì cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ 02 mũi theo khuyến cáo của ngành y tế như sau:
- Vắc xin có chứa thành phần sởi: Tiêm khi trẻ em đủ 9 tháng tuổi.
- Vắc xin phối hợp có chứa thành phần sởi: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Ngoài ra, cũng cần phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi như sau:
Phòng bệnh cá nhân:
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…).
- Hạn chế tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
- Không cho trẻ em sử dụng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.
- Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 01 đến 02 lần/ngày.
Phòng bệnh trong cộng đồng:
- Mọi người trong cộng đồng cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đã nêu trên.
- Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch.
- Không cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi. Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng bệnh.
Phòng bệnh ở nhà trẻ, trường học:
- Tuyên truyền các biện pháp phòng chống sởi cho thầy cô giáo và phụ huynh.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cho trẻ.
- Đảm bảo lớp học luôn thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, vệ sinh lau chùi bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi hàng ngày.
- Khi phát hiện học sinh có dấu hiệu mắc sởi, phải cho học sinh nghỉ học để đi khám bệnh và điều trị đến khi khỏi bệnh.
Phòng ngừa lây nhiễm sởi tại cơ sở y tế:
- Thiết lập khu vực riêng dành cho khám, điều trị bệnh sởi. Có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh; thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng để hạn chế lây nhiễm chéo. Hướng dẫn và không để người nhà của bệnh nhân sởi tiếp xúc với người nhà của bệnh nhân mắc các bệnh khác.
- Cán bộ y tế phải thực hiện việc rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân sởi, mang phương tiện phòng hộ thích hợp, khử tiệt khuẩn đúng dụng cụ.
- Bệnh nhi mắc bệnh sởi cần được nằm phòng riêng, không nằm chung với bệnh nhân mắc các bệnh khác.
- Phòng điều trị bệnh nhân sởi phải có xử lý không khí tốt: phòng phải thoáng khí, mở cửa sổ để đối lưu không khí, ở cách xa các phòng bệnh khác.
-Tiêm vắc xin dự phòng cho cán bộ y tế.
Theo đó, hiện nay có những biện pháp để phòng, chống bệnh sởi như đã nêu trên.
Xem thêm: Sởi có lây không và lây qua đường nào? Cách phòng tránh bệnh sởi?