Tố cáo và tố giác khác hay giống nhau? Khi nào làm đơn tố cáo, khi nào làm đơn tố giác? Sự khác nhau giữa 2 mẫu đơn này là gì? Hiện nay nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vậy người dân cần làm đơn gì?
Tố cáo là gì?
Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định, tố cáo là việc cá nhân thực hiện theo thủ tục theo quy định để báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo; người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo và người giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Mục đích của việc tố cáo là nhằm phát hiện, ngăn chặn, hạn chế kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Điểm khác nhau cơ bản giữa tố cáo và tố giác là gì?
Tại Bộ luật Hình sự 2015 giải thích rõ: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”
Như vậy, khái niệm tố cáo bao hàm khái niệm tố giác. Tố cáo là việc công dân phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức và báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền biết về hành vi này.
Còn công dân chỉ tố giác khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.
Đối tượng của tố cáo là mọi hành vi phạm pháp luật từ dân sự, hành chính,… Còn đối tượng của tố giác là các hành vi có dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.
Do đó khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự thì người dân nên làm đơn tố giác thay vì tố cáo.Tố cáo là quyền của công dân, nhưng không phải nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện, công dân có thể thực hiện hoặc không.
Tố giác vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân. Mọi cá nhân đều phải có nghĩa vụ giám sát và báo cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác trong xã hội.
Mẫu đơn tố cáo, tố giác thông dụng mới nhất
(1) Mẫu đơn tố cáo
Xem và tải: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/10/mau-don-to-cao%20(1).doc
Xem thêm bài viết: Mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
(2) Mẫu đơn tố giác tội phạm
Xem và tải: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/10/don-to-giac.docx
Nộp hồ sơ tố giác ở đâu, thời hạn giải quyết bao lâu?
Nộp hồ sơ:
Công dân gửi hồ sơ đến Cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
- Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Tố giác tội phạm qua ứng dụng điện tử VNeID
Xem bài viết: Bộ Công an hướng dẫn cách tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID
Thời hạn xử lý:
Căn cứ tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn giải quyết tố giác như sau:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.
Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc Viện Kiểm sát có thể gia hạn một lần (nhưng cũng không quá 2 tháng).
Như vậy thời gian tối đa giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tối đa không quá 4 tháng.
Nộp hồ sơ tố cáo ở đâu, thời hạn giải quyết bao lâu?
Nộp hồ sơ:
i) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan mình, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý trực tiếp.
- Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, Cục và cấp tương đương, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
- Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
- Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Bộ trưởng, Thứ trưởng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
ii) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, công chức khác do mình quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức khác do mình quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp, của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
iii) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Viện kiểm sát nhân dân
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, công chức khác do mình quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm nhân dân cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức khác do mình quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp, của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
iv) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Kiểm toán nhà nước
Tổng Kiểm toán nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, đơn vị trong Kiểm toán nhà nước.
v) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan khác của Nhà nước
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đại biểu Quốc hội khác khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Thường trực Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đại biểu Hội đồng nhân dân khác khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, trừ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp mình.
Cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
- Người đứng đầu cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp và của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan khác của Nhà nước do người có thẩm quyền bổ nhiệm người đó giải quyết.
vi) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức do mình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị do mình quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đơn vị sự nghiệp công lập do mình quản lý trực tiếp.
vii) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Người đứng đầu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực thuộc hoặc người khác do mình bổ nhiệm;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc do mình quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu cơ quan nhà nước được giao quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, kiểm soát viên do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
viii) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội
Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào nguyên tắc xác định thẩm quyền quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo 2018 hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức mình; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
ix) Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đó trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
(Căn cứ pháp lý: Điều 12 đến Điều 21 Luật Tố cáo 2018, khoản 3 Điều 217 Luật Doanh nghiệp 2020)
Thời hạn xử lý:
Căn cứ Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Như vậy thời gian tối đa giải quyết tố cáo không quá 90 ngày.
Trên đây là một số thông tin về mẫu đơn, nơi nộp hồ sơ, thời hạn xử lý tố cáo, tố giác mà mọi người dân đều cần biết.