Hiện tượng đăng hình ảnh học sinh tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội của một số giáo viên đã và đang vi phạm quy định của pháp luật về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của trẻ em. Theo đó, hành vi sử dụng, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý thì bị xử lý như thế nào?
Hiện trạng
Hiện nay, không khó để tìm được những clip Tiktok viral, triệu view của các thầy cô giáo, đặc biệt là những clip quay cùng học sinh. Không gì đáng nói ở đây, nếu những clip quay lại những khoảnh khắc vui vẻ của thầy và trò, tuy nhiên, rất nhiều trong các clip đó bắt gặp hình ảnh các học sinh đã cố gắng che mặt, không muốn xuất hiện trong video, nhưng một số giáo viên vẫn cố gắng quay bằng được khuôn mặt của học sinh.
Một số thầy cô giáo khác thì rủ học sinh nhảy nhót, công khai danh tính, gia cảnh của gia đình học sinh. Điều này xuất phát từ các video clip quay với học sinh thu hút hàng nghìn cho đến cả triệu lượt xem, vì thế nhằm câu like, câu view mà bất chấp sự không thoải mái của các bạn nhỏ, những giáo viên này đã đăng tải hình ảnh của học sinh lên Tiktok hay Facebook.
Điều này gây ảnh hưởng đến việc học tập cũng như phát triển của các em khi ở độ tuổi đang phát triển về tâm sinh lí. Các em chưa hiểu hết được những tác hại, mặt tiêu cực của mạng xã hội nên những hành vi tự ý đưa hình ảnh của các em lên mạng xã hội là phản cảm, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Đăng hình trẻ em lên mạng phải xin phép ai?
Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định cá nhân (kể cả trẻ em) có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó.
Điều 21 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em như sau:
- Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Bên cạnh đó, theo khoản 11 Điều 6 của Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Đồng thời, khoản 1 Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP cũng quy định vấn đề xin phép khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng như sau:
- Đối với trẻ dưới 07 tuổi: phải xin phép cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
- Đối với trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên: phải xin phép cha, mẹ, người chăm sóc và trẻ em đó.
Như vậy, tùy vào độ tuổi của trẻ mà việc đưa hình ảnh của trẻ lên mạng phải xin phép những chủ thể khác nhau.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 36 tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP cũng nhấn mạnh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Hành vi tự ý đưa hình ảnh học sinh lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Căn cứ Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định người nào có hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi, hình ảnh cá nhân, địa chỉ, kết quả học tập,...thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải xin lỗi khi có yêu cầu xin lỗi và thu hồi, xóa, gỡ bỏ các hình ảnh đã đăng tải.