Nhiều người băn khoăn sau khi đã công chứng hợp đồng tặng cho mà bên tặng cho đòi lại tài sản thì có phải trả lại không? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
(1) Đã công chứng hợp đồng tặng cho nhà đất, có đòi lại tài sản được không?
Liên quan đến vấn đề này, Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định:
Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014 cũng có quy định, văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Theo các quy định trên, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải công chứng, chứng thực và thực hiện việc đăng ký. Hợp đồng tặng cho này sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Như vậy, nếu hợp đồng tặng cho nhà đất đã được công chứng hoặc chứng thực không kèm theo điều kiện nào khác, nhưng bên nhận tặng cho chưa thực hiện việc đăng ký, sang tên theo quy định, thì hợp đồng tặng cho này vẫn chưa có hiệu lực theo các quy định đã nêu.
Ngược lại, trường hợp hợp đồng tặng cho nhà đất đã được công chứng, không kèm theo điều kiện nào khác và bên nhận tặng cho đã thực hiện việc đăng ký, sang tên theo quy định thì hợp đồng tặng cho nhà đất đã có hiệu lực, lúc này bên nhận tặng cho có toàn quyền định đoạt tài sản được tặng cho.
(2) Bên tặng cho khởi kiện đòi lại tài sản, bên nhận tặng cho có được chuyển nhượng nhà đất không?
Theo đó, Điều 111 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.
Theo đó, tại khoản 7 Điều 114 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời có biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Như vậy, trường hợp hợp đồng tặng cho nhà đất đã có hiệu lực, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã được cập nhật sang tên, đổi chủ mà bên tặng cho khởi kiện để đòi lại tài sản thì bên nhận tặng cho vẫn được chuyển nhượng bất động sản này cho người khác nếu không có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp của Tòa án có thẩm quyền.