Khi tham gia giao thông, một số trường hợp người dân được CSGT yêu cầu kiểm tra hành chính. Vậy câu hỏi được đặt ra là CSGT có được quyền kiểm tra cốp xe của người tham gia giao thông không?
Những trường hợp CSGT được yêu cầu dừng xe theo quy định
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được phép yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe để kiểm soát trong 04 trường hợp sau:
(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được hành vi vi phạm.
(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được phê duyệt.
(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.
Trong đó, văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
(4) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
CSGT có quyền kiểm tra ví, cốp xe, điện thoại?
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định rõ các nội dung mà CSGT được quyền dừng xe để kiểm soát, bao gồm:
- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và xe gồm: Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông.
+ Kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới.
+ Kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số xe và hai bên thành xe.
+ Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
- Kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
Như vậy, khi yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe, CSGT được quyền kiểm tra các giấy tờ liên quan người và phương tiện, điều kiện tham gia giao thông của xe và việc tuân thủ các quy định về hoạt động vận tải như quy định nêu trên.
Tuy nhiên, CSGT sẽ không được tùy tiện kiểm tra ví, cốp xe, điện thoại hay vật dụng cá nhân khác của người điều khiển phương tiện, trừ một số trường hợp pháp luật quy định như sau:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 127 và khoản 1 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính vẫn được phép tiến hành khi có căn cứ cho rằng:
- Người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
- Trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
Việc khám người, phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản và phải do người có thẩm quyền ban hành như: Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội,…
Riêng trường hợp tại khoản 3 Điều 127 và khoản 3 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu có căn cứ cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì chiến sĩ CSGT cũng được quyền khám phương tiện, đồ vật.
Đồng thời người này còn phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám xét phương tiện, đồ vật.
Cụ thể, Thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc theo quy định tại các Điều 66, 77, 125 và 128 Luật xử lý vi phạm hành chính là cấp trên trực tiếp trong quan hệ hành chính đối với người đang giải quyết vụ việc.
Như vậy, những chiến sĩ CSGT thông thường chỉ có quyền khám cốp xe, điện thoại, ví… khi có căn cứ để cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật như vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy như phân tích trên.
Trong trường hợp này, người tham gia giao thông có trách nhiệm phải hợp tác với CSGT trong việc khám phương tiện và các đồ vật này.
Mức xử phạt người không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ
Căn cứ khoản 9 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó có cụm từ bị thay thế bởi điểm h khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.