DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Có được cho thuê căn hộ chung cư ngắn ngày, thuê theo giờ?

Avatar

 

Luật Nhà ở 2023 quy định như thế nào về trường hợp cho thuê căn hộ chung cư ngắn ngày, cho thuê theo giờ? Trường hợp này bị xử phạt thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

(1) Có được cho thuê căn hộ chung cư ngắn ngày, thuê theo giờ?

Căn cứ Điểm c Khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 có quy định về một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư như sau:

“c) Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;”

Theo đó, trường hợp sử dụng căn hộ chung cư để cho thuê ngắn ngày hay cho thuê theo giờ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm luật.

Tuy nhiên, cũng cần làm rõ, quy định nêu trên không mới, trước đó, tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014 và Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP cũng có nêu rõ, nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Kèm theo đó, Bộ Xây dựng trước đó cũng đã có Công văn trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề nêu trên. Theo đó, Bộ Xây dựng cũng khẳng định hành vi sử dụng chung cư và mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ theo ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

(2) Cho thuê chung cư theo giờ, thuê ngắn ngày bị xử phạt như thế nào?

Như đã có nêu tại mục (1), pháp luật trước đây cũng như hiện hành đều có quy định nghiêm cấm không được phép sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. 

Theo đó, trường hợp người sử dụng căn hộ chung cư vi phạm thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP với mức xử phạt là phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Bên cạnh đó, người vi phạm trong trường hợp này còn bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở, tức dừng lại các hoạt động kinh doanh sai mục đích..

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP có quy định mức xử phạt tại Điểm e khoản 1 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP là mức xử phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân sẽ bằng 1/2 lần mức phạt tiền của tổ chức.

Theo đó, trường hợp sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, cho thuê theo giờ, cho thuê ngắn ngày thì có thể bị phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ từ 10 đến 20 triệu đồng.

Thêm nữa, hoạt động cho thuê căn hộ chung cư ngắn ngày, theo giờ là hoạt động lưu trú và tương tự như hoạt động của khách sạn. Thế nên, trường hợp này cũng cần có giấy phép về kinh doanh dịch vụ lưu trú. 

Khi kinh doanh dịch vụ lưu trú phải xuất hóa đơn, khai báo thuế và đóng thuế, đảm bảo PCCC, an ninh và các điều kiện cơ sở lưu trú, lưu trú du lịch phải đáp ứng được quy định trong các văn bản như Nghị định 168/2017/NĐ-CP.  Đồng thời, người “khách thuê” trong trường hợp này cũng phải thực hiện đăng ký tạm trú với cấp chính quyền địa phương.

(3) Người sử dụng không phải là chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm gì?

Căn cứ Điều 42 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD có quy định về quyền và trách nhiệm của người sử dụng không phải chủ sở hữu nhà chung cư như sau:

- Sử dụng phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế.

- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo đúng nội dung đã thỏa thuận với chủ sở hữu trong trường hợp người sử dụng không phải là chủ sở hữu.

- Tham dự Hội nghị nhà chung cư (đối với trường hợp nhà chung cư có một chủ sở hữu). Thay mặt chủ sở hữu tham dự Hội nghị nhà chung cư và biểu quyết, bỏ phiếu nếu chủ sở hữu không tham dự (đối với trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu).

Trường hợp trong một căn hộ hoặc phần diện tích khác của nhà chung cư có nhiều người đang cùng sử dụng thì ủy quyền cho một người đại diện để tham dự và biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư.

- Thực hiện các quyền và trách nhiệm có liên quan quy định tại các Điểm b, c, d, đ, e, g, h và k Khoản 1 Điều 41 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD.

Theo đó, từ 01/8, người sử dụng không phải là chủ sở hữu nhà chung cư có những quyền và trách nhiệm như đã nêu trên.

  •  812
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…