Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai hình thức xử phạt trên. Vậy nên hãy cùng phân biệt chúng. Bị tước GPLX nhưng vẫn tham gia giao thông thì bị xử phạt thế nào? Giao xe cho người bị tước GPLX sử dụng thì bị xử phạt thế nào?
(1) Cách phân biệt tạm giữ và tước Giấy phép lái xe
Để dễ hiểu, có thể phân biệt tạm giữ và tước Giấy phép lái xe như sau:
- Tạm giữ Giấy phép lái xe thường sẽ là hình thức để “làm tin” trong trường hợp chỉ phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo người vi phạm sẽ nộp phạt. Sau khi nộp phạt mới được lấy Giấy phép lái xe. Và trong thời gian tạm giữ người vi phạm vẫn được lái xe bình thường và có thể xuất trình biên bản xử phạt thay cho Giấy phép lái xe trong thời gian này.
- Tước Giấy phép lái xe là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Từ đó có thể thấy, việc tước Giấy phép lái xe thường thường sẽ được áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng hơn. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức xử phạt này là trường hợp bị tạm giữ Giấy phép lái xe người vi phạm vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn tước Giấy phép lái xe thì không.
(2) Bị tước GPLX nhưng vẫn tham gia giao thông thì bị xử phạt thế nào?
Đầu tiên, để làm rõ thì tại Khoản 4 Điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định như sau:
- Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép.
Như vậy, khi bị tước Giấy phép lái xe thì người vi phạm sẽ bị xử phạt như không có giấy phép được quy định tại Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Như vậy, người vi phạm bị tước Giấy phép lái xe mà vẫn tham gia giao thông thì sẽ bị áp dụng mức phạt như không có giấy phép với mức phạt từ 10 đến 12 triệu đồng.
(3) Giao xe cho người bị tước GPLX sử dụng thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì trường hợp người chủ phương tiện giao cho người bị tước Giấy phép lái xe sử dụng phương tiện thì sẽ bị xử phạt như sau:
“Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
h) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);"
Như vậy, việc giao xe cho người bị tước Giấy phép lái xe có thể phải chịu mức phạt từ 04 đến 06 triệu đồng đối với cá nhân và từ 08 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức.
Để tổng kết lại, tạm giữ và tước Giấy phép lái xe là hai hình thức xử phạt hoàn toàn khác nhau. Khi bị tạm giữ Giấy phép lái xe thì người vi phạm vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong khi người bị tước Giấy phép lái xe thì không được. Trường hợp người bị tước Giấy phép lái xe vẫn tham gia giao thông hoặc chủ xe giao xe cho người bị tước Giấy phép lái xe sử dụng thì sẽ bị xử phạt theo quy định.