28/11/2024 10:38

Thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử gồm những nội dung gì? Hạn mức tối đa khi giao dịch qua ví điện tử là bao nhiêu?

Thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử gồm những nội dung gì? Hạn mức tối đa khi giao dịch qua ví điện tử là bao nhiêu?

Nội dung của thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử được quy định như thế nào? Quy định về hạn mức tối đa khi thực hiện giao dịch qua ví điện tử?

Thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử gồm những nội dung gì?

Theo quy định tại Điều 19 Thông tư 40/2024/TT-NHNN thì thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử giữa tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và khách hàng phải có các nội dung sau:

- Số văn bản (nếu có), thời điểm (ngày, tháng, năm) lập thỏa thuận;

- Tên tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử;

- Thông tin về khách hàng mở ví điện tử theo quy định tại Điều 20 Thông tư 40/2024/TT-NHNN;

- Quyền và trách nhiệm cụ thể của các bên;

- Quy định về các loại phí, mức phí, cách thức thu phí, việc điều chỉnh phí trong mở, sử dụng ví điện tử;

- Quy định về việc sử dụng ví điện tử gồm:

+ Việc sử dụng ví điện tử phải phù hợp với quy định tại Điều 25 Thông tư 40/2024/TT-NHNN;

+ Phạm vi, hạn mức giao dịch trên ví điện tử;

+ Các trường hợp trích Nợ ví điện tử theo quy định pháp luật và các trường hợp trích Nợ khác liên quan đến gian lận, lừa đảo khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền;

- Các quy định đối với việc liên kết ví điện tử với tài khoản đồng Việt Nam hoặc thẻ ghi nợ của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết;

- Các trường hợp đóng ví điện tử và xử lý số dư còn lại khi đóng ví điện tử, bao gồm:

+ Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng giấy tờ giả, mạo danh để mở hoặc sử dụng ví điện tử cho mục đích lừa đảo, gian lận hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác;

+ Trường hợp ví điện tử không phát sinh giao dịch trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử;

+ Các trường hợp khác phù hợp quy định pháp luật;

- Việc cung cấp thông tin và hình thức thông báo cho chủ ví điện tử biết về: số dư và các giao dịch phát sinh trên ví điện tử; việc ví điện tử bị đóng; thời điểm hết hạn hiệu lực, hạn sử dụng của giấy tờ tùy thân trong hồ sơ mở ví điện tử và các thông tin cần thiết khác trong quá trình sử dụng ví điện tử;

- Phương thức tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại; thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại và việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt;

- Việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật trong sử dụng ví điện tử, trong đó bao gồm: các trường hợp xác minh lại thông tin nhận biết khách hàng và việc từ chối thực hiện giao dịch hoặc tạm dừng thực hiện các giao dịch trên ví điện tử phù hợp với quy định tại Điều 28 Thông tư 40/2024/TT-NHNN;

- Việc xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng hoặc dữ liệu cá nhân do khách hàng cung cấp, việc cung cấp thông tin cho bên thứ ba nhằm phục vụ việc cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng, xử lý các trường hợp nghi ngờ gian lận, giả mạo, vi phạm quy định pháp luật;

- Các trường hợp cung cấp thông tin bao gồm:

+ Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng;

+ Cung cấp thông tin về số dư trên ví điện tử cho người đại diện, người thừa kế (hoặc người đại diện của người thừa kế) của chủ ví điện tử cá nhân khi chủ ví điện tử chết hoặc bị tuyên bố là đã chết.

Lưu ý: 

- Trường hợp thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải thực hiện:

+ Niêm yết công khai mẫu thỏa thuận, điều kiện giao dịch chung tại địa điểm giao dịch và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng giao dịch ví điện tử trên internet, điện thoại di động (nếu có) của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử;

+ Cung cấp đầy đủ thông tin về mẫu thỏa thuận, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng và có biện pháp để xác nhận việc khách hàng đã đọc và đồng ý là đã được cung cấp đầy đủ thông tin.

- Ngoài các nội dung phải có được nêu trên thì tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử được thỏa thuận với khách hàng các nội dung khác không trái với quy định pháp luật.

Hạn mức tối đa khi giao dịch qua ví điện tử là bao nhiêu?

Căn cứ quy định tại Điều 26 Thông tư 40/2024/TT-NHNN như sau:

Điều 26. Hạn mức giao dịch qua 

1. Tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch chuyển tiền và thanh toán theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 25 Thông tư này) tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với:

a) Ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng hoặc thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử;

b) Các giao dịch thanh toán: Thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; điện; nước; viễn thông; các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ; học phí; viện phí; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm; chi trả các khoản nợ đến hạn, quá hạn, lãi và các chi phí phát sinh cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải quy định tổng hạn mức cho các giao dịch thanh toán quy định tại điểm b khoản 2 Điều này qua các ví điện tử cá nhân của 01 (một) khách hàng không lớn hơn tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân đã được tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cấp cho khách hàng đó theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, hạn mức tối đa khi thực hiện giao dịch qua ví điện tử là 100 triệu đồng trong 01 tháng qua các ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Tuy nhiên, hạn mức tối đa 100 triệu đồng này không bao gồm các giao dịch thanh toán sau:

- Thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 

- Điện; nước; viễn thông; 

- Các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ; 

- Học phí; viện phí; 

- Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm; 

- Chi trả các khoản nợ đến hạn, quá hạn, lãi và các chi phí phát sinh cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nguyễn Thị Bảo Long
15

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]