Ép con trẻ học suốt kỳ nghỉ hè có được xem là một dạng bạo lực?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/05/2024 17:23 PM

Cho tôi hỏi việc ép con trẻ học suốt kỳ nghỉ hè có vi phạm pháp luật không? - Bích Tuyền (Long An)

Ép con trẻ học suốt kỳ nghỉ hè có được xem là một dạng bạo lực

Ép con trẻ học suốt kỳ nghỉ hè có được xem là một dạng bạo lực? (Hình từ internet)

Kỳ nghỉ hè cũng đã sắp đến, có thể nói đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với các con trẻ đang là học sinh. Nhưng hiện nay, khoảng thời gian này nhiều trẻ lại không được vui chơi theo đúng nghĩa là kỳ nghỉ như nhiều năm trước đây. Có thể thấy, trở về sau này, kỳ nghỉ hè sẽ là thời gian lý tưởng để cha mẹ đưa con trẻ đi học và học rất nhiều thứ. Liệu việc ép con trẻ học suốt kỳ nghỉ hè như vậy có đúng với quy định của pháp luật.

1. Con trẻ có quyền được vui chơi, giải trí

Theo quy định tại Hiến pháp 2013, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Tại Luật trẻ em 2016 cũng đã có quy định về những quyền mà trẻ em được có, trong đó có quyền vui chơi, giải trí. Cụ thể là trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

Như vậy, con trẻ ngoài quyền được học tập thì còn có quyền được vui chơi giải trí. Điều này giúp trẻ cân bằng về trí não, thể lực và phát triển tốt về mặt tâm sinh lý.

2. Ép con trẻ học suốt kỳ nghỉ hè có được xem là một dạng bạo lực?

Có thể thấy, những năm gần đây, việc chạy đua thành tích hay tâm lý sợ con thua kém bạn bè nên đã đưa phụ huynh vào suy nghĩ con trẻ phải học và học. Và mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng để có nhiều thời gian cho con mình học nhiều bộ môn khác nhau.

Điều này đã khiến cho con trẻ không có thời gian vui chơi giải trí lành mạnh. Mặc dù kỳ nghỉ hè vốn dĩ là để cho trẻ có một thời gian nghỉ ngơi sau khi hoàn thành từng cấp độ học trên trường lớp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 cũng có quy định về hành vi bạo lực gia đình khi cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác. 

Như vậy, cưỡng ép thành viên gia đình trong học tập là một trong những hành vi bạo lực gia đình và đã vi phạm với quy định của pháp luật. Người có hành vi vi phạm buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm của mình.

Ngoài ra, trong trường hợp này người có hành vi ép buộc học tập đối với con trẻ có thể sẽ bị phạt thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đây là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao gồm:

- Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác;

- Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Danh mục công việc này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Qua đó, có thể thấy, việc ép con trẻ học suốt kỳ nghỉ hè cũng được xem là một dạng của bạo lực gia đình. Điều này sẽ không đảm quyền hợp pháp đối với trẻ trong việc phát triển toàn diện. Nên có một phương pháp học tập tốt cũng như kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí để có thể cho con trẻ một mùa hè thật tuyệt vời.

Nguyễn Hữu Hiệp

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 521

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn