Cần công khai rộng rãi các bản án

25/02/2015 09:49 AM

Việc công khai bản án một cách rộng rãi trong toàn xã hội thì đến nay vẫn còn rất hạn chế.

Tuyên án tại phiên công bố bản xét xử tham nhũng ở Công ty Cho thuê tài chính 2 - Ảnh: T.Thắng

Các bản án đều được công khai tại phiên tòa và gửi tới các cơ quan cũng như người có liên quan. Nhưng việc công khai bản án một cách rộng rãi trong toàn xã hội thì đến nay vẫn còn rất hạn chế.

Theo quy định tại điều 103 Hiến pháp năm 2013 thì vấn đề xét xử công khai được hiến định và cụ thể tại điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự cũng như điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự.

Theo đó, việc xét xử của tòa án phải được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham gia, tham dự - ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.

Từ những quy định trên cho thấy mọi người đều có quyền được biết kết quả của việc xét xử - tức nội dung bản án. Cho nên nói một cách khác, việc công khai bản án là một trong những yếu tố của nguyên tắc xét xử công khai.

Cũng sẽ có những nhận định cho rằng việc công khai bản án sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những đương sự bị xâm hại, đặc biệt là về danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Hỗ trợ nghiên cứu lập pháp

Có thể nhận thấy cho đến thời điểm hiện nay, sự bất cập trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn đang là vấn đề tồn đọng. Vẫn còn khá nhiều văn bản được ban hành nhưng thật sự không đi vào cuộc sống, không phù hợp với những quan hệ xã hội đang diễn ra hằng ngày. Với việc nghiên cứu các bản án của tòa án, các nhà lập pháp có thể nhận thấy những điểm bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện những vấn đề cần thiết phải có sự điều chỉnh của pháp luật, từ đó kịp thời có biện pháp để khắc phục những vấn đề đang tồn tại, ban hành quy phạm mới điều chỉnh những quan hệ xã hội cho phù hợp hơn.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng pháp luật hiện hành quy định: việc tuyên án phải luôn được thực hiện một cách công khai (không phân biệt trường hợp xét xử công khai hay xét xử kín). Điều này cho thấy việc công khai bản án là phù hợp với quy định pháp luật.

Tại sao cần công khai rộng rãi bản án?

Khái niệm công khai bản án được biết đến từ năm 2004, khi Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc công bố hai tập quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán, sau đó được xuất bản năm 2008.

Có thể nói đây là sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới cho hệ thống pháp luật nước ta. Hiện nay, trên trang web chính thức của Tòa án nhân dân tối cao, các bản án của hội đồng thẩm phán cũng được đăng tải công khai cho mọi đối tượng.

Tuy nhiên, công khai bản án trong nhiều năm qua cũng chỉ mới dừng lại ở những bản án của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Để đạt được hiệu quả trong công tác minh bạch trong hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp thì cần công khai cả bản án của tòa án các cấp.

Đặc biệt là cần tận dụng sự tiện lợi của những phương tiện điện tử để việc công khai bản án thay vì phải mất khá nhiều thời gian, chi phí để phát hành bằng ấn phẩm giấy.

Đây là chuyện không khó, bởi các tòa án đều được trang bị những thiết bị điện tử cần thiết để hỗ trợ trong hoạt động của mình.

Công khai bản án trên thiết bị điện tử còn tạo ra một trang cơ sở dữ liệu để lưu trữ, có thể được tra cứu một cách dễ dàng và nhanh chóng. Thông qua các công cụ tìm kiếm, người dân cũng dễ dàng tiếp cận được những vấn đề mình quan tâm.

Công khai bản án mang lại một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động cải cách tư pháp. Hoạt động này không những giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành tòa án mà còn góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán.

Một khi bản án do mình ban hành được công khai, chính bản thân người thẩm phán sẽ luôn tự ý thức rằng mình phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, đồng thời xét xử một cách nghiêm minh, công bằng, đúng với những quy định của pháp luật hiện hành.

Việc áp dụng pháp luật, cách hiểu các quy định pháp luật. Qua tiếp cận những bản án của các tòa án khác, các thẩm phán cũng như người dân có thể so sánh những vụ việc có các tình tiết tương tự để tìm ra cách giải quyết phù hợp.

Bằng việc công khai bản án, mọi thành phần trong xã hội đều có cơ hội để tiếp cận nguồn thông tin này. Điều đó góp phần tuyên truyền pháp luật rộng rãi trong nhân dân một cách có hiệu quả hơn so với việc chỉ đơn thuần tuyên truyền trên những quy phạm pháp luật (mang tính chất lý thuyết).

Đối chiếu với những sự việc trong từng bản án, người dân sẽ tự ý thức được hành động của mình, tự nhận biết được đâu là hành vi vi phạm pháp luật và phải gánh chịu trách nhiệm như thế nào. Trách nhiệm được quy định trong bản án không những tác động đến người vi phạm được đề cập trong bản án mà còn tác động đến những người tiếp cận bản án.

Với việc tiếp cận bản án, xem xét từng tình huống cụ thể, những quy định và cách giải quyết tương ứng, người dân có thể tự vận dụng để giải quyết những tranh chấp phát sinh tương tự không cần phải đưa ra giải quyết trước tòa. Như thế, áp lực đối ngành tư pháp giảm đi một cách đáng kể.

Tăng cường, hỗ trợ cho công tác giám sát của nhân dân

Ngoài việc nhận thức được đâu là hành vi phạm tội, hành vi trái với quy định của pháp luật, ý thức được cách cư xử của bản thân, thông qua việc tiếp cận bản án, người dân có điều kiện đối chiếu, so sánh để phát hiện những bất ổn còn tồn tại trong các bản án của tòa án. Không thể có hai bản án quá khác nhau khi sự kiện pháp lý tương đối giống nhau.

Nghĩa là hai tòa án khác nhau, hay hai thẩm phán khác nhau, thậm chí là cùng một người thẩm phán, khi xét xử những vụ việc tương tự nhau thì không thể ban hành những bản án quá khác biệt. Điều này cũng tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám đốc bản án của tòa án cấp dưới được diễn ra một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Công tác kiểm soát, giám sát của người dân có tác động nhất định đến những người làm công tác trong ngành tòa án. Như một tác động tất yếu, “tác giả” của những bản án phải thực hiện nghiêm minh hơn, có trách nhiệm hơn. Nói một cách khác, công tác kiểm tra, giám sát của người dân đối với hoạt động của ngành tư pháp thông qua việc tiếp cận bản án của tòa sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động cải cách tư pháp.

Nói tóm lại, công khai bản án là một vấn đề quan trọng và hết sức cần thiết cho công cuộc cải cách tư pháp.

Bằng việc công khai bản án, hoạt động của ngành tư pháp sẽ trở nên minh bạch, đội ngũ cán bộ tự ý thức hơn, có trách nhiệm trong quá trình thực hiện công tác của mình; góp phần làm trong sạch hóa ngành tư pháp; tăng tính thống nhất trong công tác áp dụng pháp luật; nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.

Với những ý nghĩa thiết thực nêu trên, công tác công khai bản án phải được triển khai tiến hành một cách nhanh chóng.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,510

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn