Cần gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân

23/10/2014 08:17 AM

Liên quan đến dự thảo Luật Tổ chức quốc hội (sửa đổi), thảo luận tại hội trường ngày 22.10, nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định chặt chẽ để lựa chọn được những đại biểu quốc hội (ĐBQH) có đức, có tài, xứng đáng thay mặt - nói lên tiếng nói của nhân dân cả nước. Quyền giám sát của nhân dân cũng đặc biệt được quan tâm, khi nghị trường “nóng” lên vấn đề sắp tới sẽ có thêm Luật Trưng cầu ý dân…

Cho ý kiến về quy định lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 phiếu đánh giá tín nhiệm thấp thì được quyền từ chức. Nếu họ không từ chức thì mới báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm…

“Thực tế, về mặt tâm lý, để có kết quả tín nhiệm thấp như vậy có thể họ sẽ muốn từ chức, để tránh cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả sẽ không thay đổi số phận. Khi đó họ muốn tránh tâm lý nặng nề. Khi kết quả 2/3 tín nhiệm thấp, thì Quốc hội không cần phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa”, ông Tám nói.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt vấn đề, dự thảo luật quy định, QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn khi có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số ĐBQH; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của QH. Vậy ĐB có quyền vận động các ĐB khác, tập hợp chữ ký để thực hiện quyền này không? Trình tự thủ tục như thế nào? Bao nhiêu % ý kiến của các thành viên của Ủy ban QH, Hội đồng dân tộc thì được coi là kiến nghị của Ủy ban của QH, Hội đồng dân tộc.

“Đây là vấn đề quan trọng nhưng dự thảo luật chưa quy định cụ thể. Tôi cho rằng cần nghiên cứu cụ thể để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình”, ĐB Tiến Sinh nói.

Quốc hội sẽ có thêm chức danh Tổng thư ký

Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn Thư ký kỳ họp hiện nay cũng như tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong tổ chức hoạt động của QH, dự thảo Luật Tổ chức quốc hội hướng tới việc sẽ có thêm chức danh Tổng Thư ký QH. Sau khi nghe báo cáo, nhiều đại biểu đã nhất trí với quy định lập chức danh trên như dự thảo Luật. Nhưng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của chức danh này, và vai trò của Văn phòng Quốc hội - là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc - trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Định) đồng tình rằng dự thảo Luật phải có chức danh Tổng thư ký Quốc hội. Chức danh này cũng không nhất thiết phải bầu trong số đại biểu QH, mà nên để QH phê chuẩn chức danh này như phê chuẩn một công chức nhận nhiệm vụ của QH là phù hợp. Còn đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) bổ sung ý kiến đề nghị QH xem xét bổ sung chức danh Phó Tổng Thư ký Quốc hội giúp việc Tổng Thư ký, nhất là thực hiện nhiệm vụ khi Tổng Thư ký ốm đau, công tác vắng…

Góp ý cho dự án Luật Tổ chức QH sửa đổi, các ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo, nghiên cứu Luật ghi rõ trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định để đảm bảo tính độc lập cho ĐBQH, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu quốc hội… 

ĐB Nguyễn Thanh Sơn (Nam Định) nêu quan điểm, cần xác định rõ tiêu chuẩn đại biểu QH; tiêu chuẩn và chất lượng của ĐB phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân để bầu vào QH nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, nâng số lượng đại biểu QH chuyên trách lên 50%.

Cần gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân 

Cũng trong phiên họp ngày 22.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trưng cầu ý dân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Hiến pháp ghi nhận, do vậy phải được Luật Tổ chức QH quy định. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị không nên quy định vấn đề trưng cầu ý dân trong Luật, vì sắp tới sẽ có Luật Trưng cầu ý dân quy định. 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã thẳng thắn đề nghị, Quốc hội cần nhanh chóng, gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân, vì điều này sẽ bảo đảm quy định rõ những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân cũng như quy mô của các cuộc trưng cầu ý dân. Điều mà Đại biểu Nghĩa thắc mắc chính là theo dự thảo Luật, việc tổ chức trưng cầu ý dân thuộc về Ủy ban Thường vụ QH, nhưng chưa quy định cơ quan nào thực hiện chức năng này. 

Vì vậy, phải chỉ rõ trong Luật, cơ quan nào có trách nhiệm triển khai thực hiện quyết định trưng cầu ý dân của QH, cách thức thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Luật. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng tán thành khi cho rằng, cần quy định trong trường hợp cần thiết như thế nào thì QH quyết định trưng cầu ý dân. Bên cạnh đó, phải bổ sung đầy đủ trình tự, thủ tục, hệ quả của việc trưng cầu ý dân.

Đào Tuấn – Xuân Thu

Theo Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,329

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn